Quyết tâm trụ vững

12/11/2018 | 07:56 GMT+7

Trước những khó khăn về tình hình sản xuất, tiêu thụ đường và khả năng giảm diện tích mía nguyên liệu nhưng Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) quyết tâm trụ vững trên vùng mía có nhiều tiềm năng tại Hậu Giang.

Với nhiều tiềm năng về tự nhiên, đất đai màu mỡ nên Hậu Giang đang là tỉnh có năng suất mía bình quân cao nhất của vùng ĐBSCL và cả nước. 

Nhiều áp lực

Giống như các nhà máy đường trong cả nước, từ khi Việt Nam gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2018, Casuco cũng gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt về mặt hàng đường với các nước trong khu vực, đồng thời đường nhập lậu ngày càng gia tăng đã đẩy giá đường sản xuất trong nước giảm mạnh (từ 15.000-16.000 đồng/kg vào cuối năm 2017, nay giảm xuống còn 10.000-11.000 đồng/kg). Qua đây làm cho việc sản xuất của nhà máy đường không có lời, đường làm ra khó tiêu thụ dẫn đến lượng đường tồn kho tương đối lớn. Từ nguyên nhân trên đã kéo theo giá mía năm nay không được cao như hai vụ mía vừa qua nên phần nào làm cho nông dân kém vui khi vào mùa thu hoạch. Vừa thu hoạch xong 6 công mía (giống ROC 16), ông Lê Văn Tâm, ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Sau hai vụ mía liên tiếp, người trồng mía đều có mức lợi nhuận hấp dẫn khi bán mía được giá từ 900 đồng đến hơn 1.000 đồng/kg thì sang vụ này lại không được hưởng niềm vui như thế”.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Không chỉ có nông dân buồn mà nhà máy đang vào vụ sản xuất cũng chịu nhiều áp lực về khả năng rơi vào tình cảnh bị thua lỗ do giá đường ở mức thấp. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người trồng mía sau nhiều năm gắn bó với Casuco và cũng giúp cho bà con có điều kiện tái sản xuất vụ sau, năm nay Casuco đưa ra mức giá hợp đồng bao tiêu với nông dân là 800 đồng/kg, mía 10 chữ đường (CCS) cân tại cầu cảng nhà máy. Thế nhưng, từ khi vào vụ ép đến nay (từ ngày 9 và 12-10) hai nhà máy đường thuộc Casuco mua mía cho nông dân với giá cụ thể như sau: Giá 800 đồng/kg (mía 10 CCS) cân tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp và 820 đồng/kg (mía 10 CCS) cân tại Xí nghiệp đường Vị Thanh. Với mức giá này thì những hộ trồng mía giỏi (đạt năng suất từ 200 tấn/ha) vẫn có lời chút đỉnh, những hộ nào có năng suất thấp hơn thì phá huề.

Trước sự cạnh tranh của ngành mía đường trong khu vực đang diễn ra gay gắt và tình hình sản xuất mía của nông dân đang đặt nhiều dấu hỏi khi không có lợi nhuận sau thu hoạch nên ngành nông nghiệp tỉnh đang tính đến chuyện sẽ giảm một số lượng lớn diện tích mía ở những nơi canh tác không hiệu quả ngay sau khi vụ thu hoạch mía năm nay kết thúc. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngành nông nghiệp tỉnh đã xin và đang chờ ý kiến của UBND tỉnh về việc giảm diện tích mía của tỉnh trong niên vụ tới. Dự kiến, Hậu Giang chỉ giữ cho mỗi nhà máy đường trên địa bàn tỉnh một vùng nguyên liệu mía khoảng 2.000ha (toàn tỉnh có 3 nhà máy đường), diện tích còn lại (dự kiến hơn 4.000ha) sẽ vận động bà con chuyển sang những cây trồng khác để cải thiện cuộc sống.

Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự tính toán trong việc giảm diện tích mía để có sự đầu tư tốt hơn, thế nhưng liệu rằng khi mất thế cạnh tranh thì làm sao giữ vùng mía đường tại ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng là một việc làm đòi hỏi nhiều khó khăn trước mắt, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực rằng cạnh tranh không lại thì nên bỏ hẳn công nghiệp mía đường. Thế nhưng, khi bỏ mía thì nông dân sẽ ra sao?

Phát huy những tiềm năng

Mặc dù đứng trước những khó khăn và chịu không ít áp lực nhưng theo phân tích của ngành chức năng tỉnh và lãnh đạo Casuco thì vùng mía Hậu Giang vẫn có khả năng trụ vững trên con đường hội nhập nhờ những tiềm năng mà vùng mía đang có được. Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Casuco, cho biết: Lợi thế lớn nhất mà vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng có được là năng suất và CCS bình quân đang cao nhất so với cả nước và trên thế giới. Cụ thể, hiện năng suất mía bình quân của cả nước và thế giới khoảng 65 tấn/ha, riêng ĐBSCL là 95 tấn/ha, trong đó tỉnh Hậu Giang đạt năng suất cao nhất của vùng với 110 tấn/ha và chữ đường thường ở mức 10 CCS.

Theo phân tích của ngành nông nghiệp tỉnh và lãnh đạo Casuco, sở dĩ năng suất mía của tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL đạt mức cao là do nơi đây có điều kiện đất đai màu mỡ, thời tiết và nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất mía phát triển. Hơn nữa, người dân nơi đây có truyền thống trồng mía lâu đời nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2006 Casuco thành lập Câu lạc bộ (CLB) trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm tại Hậu Giang, qua đây đã thúc đẩy phong trào trồng mía giỏi giữa các nông dân trong vùng. Đồng thời, bà con trong CLB còn thường xuyên được tiếp cận những giống mía mới có năng suất, chất lượng đường cao và được chuyển giao các tiến bộ khoa học mới trong sản xuất, từ đó tay nghề trồng mía của nông dân từng bước được nâng lên nên mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Từ mô hình ban đầu có vài hộ tham gia nay được nhân ra rộng khắp tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh và ĐBSCL.

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Casuco, cho biết thêm: Các nhà máy đường ở Hậu Giang cũng như ĐBSCL nếu muốn phát triển ổn định, đủ sức cạnh tranh được với ngành mía đường trong khu vực và trên thế giới thì đòi hỏi trước tiên cần có những chương trình đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu lâu dài, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân và các nhà máy đường. Song song với nhà máy đường thì cũng cần có sự vào cuộc và hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương. Bởi hiện nay, trong sản xuất đường thì chi phí mía nguyên liệu chiếm tỷ trọng tới 70-80% giá thành sản xuất. Vì vậy, việc giảm chi phí trong sản xuất mía là con đường tất yếu hiện nay. Mặt khác, tiềm năng năng suất và chất lượng mía ở tỉnh Hậu Giang còn có thể gia tăng cao hơn nữa nếu chúng ta biết cách khai thác hiệu quả.

Cũng theo ông Vinh, để làm được vấn đề trên thì cần phát huy những tiềm năng đang có gắn với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những giống mía phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương và có đặc tính lưu gốc. Đồng thời, kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch… tất cả nhằm tăng năng suất, chất lượng mía đường để bù đắp lợi nhuận cho nông dân. Ngoài giải pháp giảm chi phí trong sản xuất mía thì hiện Casuco đã và đang tận dụng các nguồn thu sau đường như: bã bùn, bã mía, mật rỉ... để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trên con đường hội nhập như hiện nay.

Nhằm từng bước giảm giá thành sản xuất mía, hướng đến còn 500 đồng/kg (hiện từ 700-750 đồng/kg) vào năm 2020 theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, Casuco dự kiến sẽ thực hiện thử nghiệm khoảng 20ha mía sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, cũng như chuyển giao các biện pháp khoa học kỹ thuật mới cho nông dân và thường xuyên trồng những giống mía mới có năng suất và chất lượng sau khi được trồng khảo nghiệm tại trại thực nghiệm của Casuco. Khi mô hình mang lại hiệu quả sẽ nhân rộng tại các vùng mía nguyên liệu của công ty. 

 

     Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>