Siết chặt vận chuyển heo

20/11/2019 | 18:08 GMT+7

Nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, Hậu Giang cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo.

Giá heo hơi đã cán mốc 70.000 đồng/kg.

Bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa nên khi xảy ra mức độ lây lan bệnh rất nhanh. Giải pháp duy nhất giảm nguy cơ là cách ly triệt để, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thời gian qua, số hộ nuôi chuồng ở quy mô nhỏ lẻ trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Tính đến cuối tuần qua, toàn tỉnh thiệt hại trên 55.000 con. Ngành chuyên môn cho biết dù hiện nay dịch bệnh tuy có chiều hướng giảm nhưng không có nghĩa là kết thúc. Có những địa phương qua 80 ngày nhưng vẫn tái phát dịch trở lại.

So với hàng năm, dự đoán nguồn cung phục vụ tết này sẽ giảm so với năm trước, khi số lượng đàn thiệt hại khoảng 40%. Theo thông tin mới nhất, giá heo đến nay đã đạt mức 70.000 đồng/kg (cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây). Theo ông Phạm Văn Chính, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Mỹ, tổng đàn hiện nay của huyện chỉ còn khoảng 13.000 con. Hiện vẫn chưa dự đoán được việc thiếu hay không nguồn cung cuối năm do địa bàn huyện Long Mỹ tiếp giáp với các tỉnh lân cận nên thương lái sẽ di chuyển qua lại để thu mua heo về địa phương.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Nhu cầu cao, nhiều khả năng xảy ra tình trạng nhập lậu heo và các sản phẩm từ heo. Tỉnh Hậu Giang không có biên giới nên giải pháp ngăn chặn nhập lậu sẽ áp dụng ở vùng tiếp giáp các tỉnh lân cận. Thời gian qua, việc kiểm soát vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo được phối hợp thực hiện tốt. Hướng tới, đề nghị cần có sự phối hợp chặt giữa các ngành, địa phương để giúp lực lượng thú y kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khâu vận chuyển. Riêng lĩnh vực gian lận thương mại rất cần sự phối hợp chặt của cơ quan chuyên môn.

Mặt khác, thông tin từ Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang, việc giết mổ nhỏ lẻ không đúng quy định còn tồn tại khá nhiều. Cần kiểm soát kỹ tình trạng thu mua heo có dấu hiệu bệnh để giết mổ lậu rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Chợ phường III, thành phố Vị Thanh là chợ đầu mối nông sản, tập trung một lượng lớn hàng hóa nhập về. Riêng các chỗ buôn bán gia súc, gia cầm lớn vận chuyển lòng heo và gia cầm dễ xảy ra tình trạng này nên cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Trên địa bàn thành phố hiện có 4 lò giết mổ, trong đó 3 lò giết mổ gia súc, 1 lò giết mổ gia cầm. Lượng heo tiêu thụ trên địa bàn khoảng 100 con/ngày.

Còn tại thị xã Long Mỹ, trung bình một ngày trên địa bàn thị xã có nhu cầu khoảng 3-3,5 tấn heo. Cao điểm tết, nhu cầu tiêu thụ sẽ cao hơn ngày thường. “Đáng ngại nhất là tình trạng mua bán thịt heo dạng hàng rong trên các tuyến đường nông thôn, vì vấn đề này rất khó kiểm soát. Hướng tới, thị xã phối hợp với địa phương, ấp, khu vực kiểm soát vấn đề giết mổ”, ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, chia sẻ.

Theo thông tin từ người dân, hiện nay tình trạng buôn bán thịt heo không rõ xuất xứ được vận chuyển trên xe gắn máy khá phổ biến. Đây cũng là vấn đề khó khăn của ngành thú y cũng như các địa phương trong công tác quản lý. Thiết nghĩ cần có những giải pháp quản lý hiệu quả hơn nữa nhằm góp phần giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi.

Trong buổi triển khai Công văn số 10 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo qua biên giới, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm dịch heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương kiểm tra khâu vận chuyển, giết mổ. Đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y rà soát, thông tin về lượng heo giết mổ hàng ngày của tỉnh. Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố báo mức giá heo hơi về Sở Công thương hàng tuần để ngành tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh…

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>