Tâm tình và kỳ vọng đầu xuân

14/02/2018 | 07:13 GMT+7

Năm mới, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân kỳ vọng rất nhiều vào động thái quyết liệt của lãnh đạo tỉnh để có kết quả sáng hơn. Đồng thời, mỗi một doanh nghiệp cũng ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định trong chặng đường sắp tới. Trước thềm xuân mới, Báo Hậu Giang đã ghi nhận những chia sẻ chân thành từ phía các doanh nhân đã và đang gắn bó với đất Hậu Giang.

Ông Tạ Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nước AquaOne Hậu Giang:

Luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của tỉnh

- Được thành lập năm 2015 tại Khu công nghiệp Sông Hậu - Giai đoạn 1, huyện Châu Thành, công ty đầu tư dự án Nhà máy Nước mặt Sông Hậu, công suất 100.000m3/ngày đêm trên diện tích 15ha và đầu năm 2017 chúng tôi đã mở rộng thêm 46ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng. Nhà máy Nước mặt Sông Hậu ra đời với mục tiêu cấp nước cho các doanh nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp Sông Hậu và các khu vực lân cận. Từ đó, đáp ứng nhu cầu nước dùng đầy đủ và qua đó cũng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về sử dụng nước sạch. Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền trong hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của tỉnh và đề cao tính năng động, linh hoạt trong cải cách thủ tục hành chính. Chúng tôi lạc quan tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh cũng như tiềm năng phát triển của Hậu Giang.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan:

Hậu Giang là nơi mà chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất

- Phải nói Hậu Giang là nơi mà chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất. Bởi, hàng loạt dự án Tập đoàn Masan đều chọn nơi đây làm điểm dừng chân. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là triển khai Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Masan Miền Tây. Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất nước mắm hiện đại trên diện tích gần 6ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, công suất tối đa 100 triệu lít nước mắm/năm.

Cùng với kinh nghiệm lâu năm trong ngành chế biến và sản xuất nước mắm, việc đặt nhà máy tại Hậu Giang, Masan có lợi thế là thu mua các nguồn cá trong suốt dọc luồng đánh bắt cá từ Nam Trung bộ đến Nam bộ. Ngoài ra, chúng tôi đang thảo luận với tỉnh về kế hoạch đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo kỹ thuật cao có quy mô 300ha để nuôi 10.000 heo nái và ước tính có thể cung cấp cho thị trường 240.000 heo thịt sạch mỗi năm.

Ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông sản Tiến Thịnh:

Hài lòng về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính

- Tôi khá hài lòng về nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính của tỉnh, đặc biệt là khâu cấp phép có thời gian rút ngắn tối đa thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Thay vì, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư theo lịch hẹn là 20 ngày thì khoảng 2 ngày sau, công ty của tôi đã nhận được thông báo. Hiện công ty đã sẵn sàng về công nghệ chế biến, nhất là trong thời gian tới công ty sẽ thành lập vùng chuyên canh nguyên liệu theo hướng công nghệ cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Cho nên, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để công ty sớm triển khai thành công dự án này.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI tại Cần Thơ:

Hậu Giang là một điểm đến khá thuận tiện

- Hậu Giang là tỉnh giáp với thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế, thương mại - dịch vụ của vùng Tây Nam bộ. Nếu các cụm doanh nghiệp phát triển đều xoay quanh các đô thị trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… thì Hậu Giang là một điểm đến khá thuận tiện. Khi trung tâm logistic và hệ thống cảng biển hoàn thiện tại Cần Thơ cùng với hệ thống dịch vụ thương mại và tài chính thì các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Hậu Giang có một thuận lợi lớn trong tiếp cận các dịch vụ hữu ích này.

Hậu Giang chưa nằm trong tốp có chỉ số năng lực cạnh tranh công bố hàng năm cao, nhưng một số chỉ tiêu tích cực cho thấy tỉnh đang có những nỗ lực đáng kể. Hậu Giang từng đứng đầu cả nước về chỉ số gia nhập thị trường năm 2015. Trong năm 2016, tiếp tục khẳng định là tỉnh tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai trong đầu tư, kinh doanh khi được đánh giá xếp hạng 6/63 tỉnh, thành cả nước. Các chỉ số khác như số ngày làm thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ mất bình quân 5 ngày; đứng thứ 2 cả nước trong việc giải quyết những hồ sơ đơn giản cấp trong 1 ngày… là những điểm nổi bật của tỉnh Hậu Giang được doanh nghiệp đánh giá cao trong năm qua. Đây là những điểm cộng quan trọng đối với doanh nghiệp khi quan tâm đầu tư vào Hậu Giang.

Ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang:

Lao động vẫn là điều trăn trở

- Tôi hay ngồi nhìn lại những gì một năm qua doanh nghiệp mình làm được và những đóng góp cho xã hội để tiếp tục tìm con đường mới cho doanh nghiệp phát triển thêm. Thực tế, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như chế biến thủy sản, da giày, dệt may... phải đối mặt với chi phí lao động tăng cao, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hàng năm, lương tối thiểu vùng đều tăng làm tăng thêm chi phí đóng các khoản bảo hiểm và phí công đoàn. Trong thực tế, các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng từ 50-100%.

Cụ thể như Công ty Minh Phú - Hậu Giang trả lương hàng tháng cho người lao động trên 6 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, người lao động trong ngành chế biến thủy sản hầu như hàng năm không có nghỉ hưu. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải giảm các khoản lương mềm và tăng tự động hóa để giảm lao động mới có thể cạnh tranh được. Tôi cũng mong muốn Chính phủ, UBND tỉnh tạo nhiều cơ chế mở và chính sách mở, hợp lý và công bằng hơn nữa cho các doanh nghiệp nhằm tạo ra một sân chơi công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền với doanh nghiệp.

Ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II:

Khâu giải phóng mặt bằng còn là điểm nghẽn

- Từ những việc làm thiết thực và cụ thể, Công ty TNHH Lạc Tỷ II đã tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động, tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo uy tín cho công ty, với doanh thu hàng năm hơn 70 triệu USD, giá trị xuất khẩu hơn 60 triệu USD. Công ty chúng tôi xác định nhiệm vụ hàng đầu là chăm lo tốt đời sống người lao động, đó cũng là nỗ lực của công ty trong việc thực hiện kế hoạch phát triển bền vững của mình.

Cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án. Phải mất ít nhất 6 tháng đến một năm mới xong phần giải phóng mặt bằng. Đây đang là điểm nghẽn làm chậm quá trình phát triển của các doanh nghiệp. Dù đã có chủ trương, quyết định đầu tư nhưng lại không có chế độ cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thì coi như doanh nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều.

Dây chuyền sản xuất tôm tại Công ty CP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang.

ĐĂNG TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>