Tăng cường giám sát cung - cầu, giá cả hàng hóa phục vụ tết

25/12/2018 | 10:14 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu từ nay đến cận Tết Nguyên đán, TPHCM cần tăng cường tuyên truyền về khả năng cung - cầu và giá cả hàng tết, cũng như những điểm bán hàng hóa có chất lượng để người dân yên tâm mua sắm, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng

Hàng hóa dồi dào

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 13,2% - 16,9% so với kế hoạch TP giao và tăng 23% - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 32% - 58% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...

Tổng giá trị các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng). Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6-1-2019 đến 4-2-2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng.

Nét mới trong công tác chuẩn bị hàng tết và thực hiện bình ổn thị trường năm 2019 là TP sẽ triển khai theo tín hiệu thị trường, tức là sở sẽ theo dõi diễn biến, nhu cầu tiêu dùng từ thị trường để khuyến khích DN sản xuất cho phù hợp, chứ không bán cái mình có sẵn. Đối với mặt hàng hoa tết, TP cũng định hướng cho các làng hoa chỉ sản xuất các loại hoa có nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết, không đưa hàng về TP tràn lan như nhiều năm trước.

Ở nhóm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, TP sẽ tăng lượng hàng chuẩn bị đối với các loại thực phẩm được truy xuất nguồn gốc, có nhãn mác, thương hiệu, các sản phẩm đạt chuẩn organic, VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời có cơ chế ưu tiên cho các nhà cung cấp đạt các tiêu chuẩn trên đưa hàng vào hệ thống phân phối của TP. Kể từ ngày 1-1-2019, TPHCM sẽ phối hợp với tỉnh Lâm Đồng thực hiện chương trình sơ chế tại nguồn để hạn chế rác thải từ hàng nông sản khi đưa về TP.

Ở góc độ nhà phân phối, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op đã làm việc xong với các nhà cung cấp và DN sản xuất về lượng hàng hóa cũng như chốt giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ tết với tổng lượng hàng tết đạt gần 150.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% - 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10% - 30%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống được ưa chuộng dịp tết gồm rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nước giải khát, bia.

Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Saigon (Satra), cũng cho hay, Satra chuẩn bị 7.300 tấn hàng hóa, với tổng giá trị đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó nhóm hàng bình ổn thị trường chiếm khoảng 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Satra tập trung dự trữ các mặt hàng có sức mua lớn trong dịp tết như đường, gạo các loại, dầu ăn, bia và nước giải khát, bánh kẹo các loại...

Khó có khả năng biến động giá

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 tại TPHCM sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cho nhân dân TP đón tết “vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”.

Để thực hiện được chủ trương này, TPHCM đang triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; tăng và kéo giãn thời gian mở cửa bán hàng tại các siêu thị; thường xuyên kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn thị trường, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, ATVSTP…

Riêng đối với hàng bình ổn, từ đầu năm đến nay luôn đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 5%-10%. Hiện độ phủ của hàng bình ổn đã đến tất cả các địa bàn TP, với tổng số 10.817 điểm bán, tăng 513 điểm bán so với năm 2017. Ngoài ra, TPHCM sẽ thực hiện hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng hóa có chất lượng tốt với giá cả ổn định để phục vụ người dân. Do vậy, thị trường tết sẽ khó có khả năng biến động giá do lượng hàng nhiều và giá bán đều đã được chốt lại.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý TPHCM cần theo dõi sát hơn nữa về cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả…

“Mặc dù hàng hóa chuẩn bị rất dồi dào, phong phú, nhưng nếu chúng ta thiếu cảnh giác, ngay lập tức thị trường sẽ rơi vào tình trạng khan hàng ảo, sốt giá. Trong trường hợp một sản phẩm tăng giá, sẽ tác động dây chuyền đến nhiều mặt hàng khác, gây mất ổn định trên thị trường”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hải yêu cầu từ nay đến cận Tết Nguyên đán, TPHCM cần tăng cường tuyên truyền về khả năng cung - cầu và giá cả hàng tết, cũng như những điểm bán hàng hóa có chất lượng để người dân yên tâm mua sắm, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng; tăng cường công tác chống gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả; có kế hoạch kiểm tra, giám sát về giá và việc niêm yết giá, ATVSTP.

Ngày 24-12, Tổ điều hành thị trường trong nước do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về công tác cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 và các giải pháp ổn định thị trường trên địa bàn TP.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, hàng hóa phục vụ tết năm nay rất dồi dào, phong phú. TPHCM sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ổn định giá hàng tết.

Theo THÚY HẢI/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>