Tăng cường kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

15/05/2019 | 08:25 GMT+7

Trước sự xuất hiện của dịch tả lợn (heo) châu Phi, Hậu Giang đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế, kiểm soát chặt dịch bệnh.

Phun khử trùng tại nơi xảy ra ổ dịch ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, mới đây trên địa bàn tỉnh xảy ra ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ ông Nguyễn Văn Oanh, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và tại hộ ông Phan Văn Việt, ở ấp Vĩnh Hòa, xã  Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Tổng số 68 con heo chết và tiêu hủy do dịch bệnh. Hiện nay, những nơi xảy ra ổ dịch đang được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều giải pháp xử lý được áp dụng đồng bộ theo đúng quy định.

Trước đó, vào ngày 10-4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm trên heo của hộ ông Nguyễn Văn Oanh gửi Cơ quan Thú y vùng VII xét nghiệm. Kết quả thông báo phát hiện vi-rút gây bệnh tai xanh và vi-rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) trên cùng 1 mẫu xét nghiệm. Sau khi phát hiện ổ bệnh, Chi cục Thú y vùng VI và Chi cục Thú y vùng VII đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang trực tiếp thực hiện công tác chống dịch, thu mẫu xét nghiệm bổ sung, hướng dẫn tiêu hủy toàn bộ heo bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với UBND xã Nhơn Nghĩa A thành lập 2 chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển heo, các sản phẩm của heo và tiêu độc khử trùng các phương tiện đi qua ổ dịch; cử nhân viên thú y theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến tại ổ dịch. Tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh trên đàn heo, thống kê tổng đàn hiện có tại xã có dịch và các xã tiếp giáp. Thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi tại ổ dịch 1 lần/ngày liên tục 7 ngày và tại các hộ chăn nuôi lân cận trong bán kính 500m, tính từ ổ dịch; 3 lần/tuần, phun liên tục trong 2 tuần kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Ngành chức năng cho biết, hiện ổ dịch ở huyện Châu Thành A đã qua 21 ngày, được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch mới.

Đối với ổ dịch ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, ngày 5-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành lấy 1 mẫu bệnh phẩm trên heo tại hộ ông Phan Văn Việt, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy gửi Chi cục Thú y Vùng VII xét nghiệm. Chi cục Thú y Vùng VII đã có thông báo kết quả xét nghiệm ngày 6-5-2019 phát hiện vi-rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) trong 1 mẫu xét nghiệm trên. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang đã trực tiếp đến ổ dịch thực hiện công tác phòng, chống bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vận động tiêu hủy theo đúng quy định.

Ông Phan Văn Việt chia sẻ: “Hôm heo bị bệnh nó bỏ ăn, tôi tưởng chỉ bệnh thông thường nhưng không ngờ heo chết nhanh quá. Sau khi phát hiện bệnh, tôi có báo cho chính quyền địa phương. Sau đó có lực lượng thú y vào lấy mẫu để xét nghiệm, rồi tiêu hủy đàn, gia đình cũng đồng thuận”.

“Ở khu vực chuồng nuôi, hiện tôi đã dọn dẹp thông thoáng, sát trùng vôi bột. Sau này tái đàn nuôi lại, tôi rút kinh nghiệm trong khâu nuôi dưỡng, sát trùng chuồng trại kỹ, nhất là hạn chế người lạ đến chuồng heo. Không cho thương lái tiếp xúc trực tiếp, bởi họ đi từ chuồng này sang chuồng khác sẽ mang theo mầm bệnh, nguy cơ lây lan cao”, ông Việt nói thêm.

Ngành chức năng huyện Vị Thủy đã rà soát tổng đàn, triển khai phun xịt, xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh trên gia súc trong thời điểm này. Đối với khu vực lân cận, ngành thú y tăng cường theo dõi, bám sát địa bàn, kiểm soát chặt dịch bệnh. Ông Trần Minh Tân, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, cho biết: “Trước đó, thấy heo nhà bên cạnh bị bệnh nên tôi cũng lo. Trong chuồng tôi nuôi 8 con heo khoảng 40-50kg; do nằm bên cạnh ổ dịch, ngành chức năng vận động tiêu hủy để ngăn chặn mầm bệnh, gia đình cùng thống nhất cao”.

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, tổng đàn heo của xã Vĩnh Tường là 1.053 con/114 hộ chăn nuôi. Tại nơi xảy ra ổ dịch thuộc ấp Vĩnh Hòa chỉ có 16 hộ nuôi heo với quy mô nhỏ, hiện tại toàn bộ heo trong khu vực sức khỏe bình thường và không có dấu hiệu lâm sàng. Ngành thú y đã vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi tại ổ dịch 1 lần/ngày liên tục phun trong 7 ngày và tại các hộ chăn nuôi lân cận trong phạm vi bán kính 500m; phun 3 lần/tuần, liên tục trong 2 tuần kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.

Không riêng dịch tả heo châu Phi, lực lượng thú y cơ sở đã tập trung quyết liệt cho công tác phòng bệnh nói chung và phòng, chống dịch tả heo châu Phi nói riêng. Chi cục đã chỉ đạo điều tra rà soát tổng đàn, giám sát chặt chẽ để khi có tình huống xấu sẽ nhanh chóng báo cáo về trên. Khi dịch bệnh xảy ra, kiên quyết xử lý không để lây lan ra diện rộng. Cụ thể, tại một số điểm xảy ra dịch bệnh nguy hiểm ở huyện Vị Thủy và Châu Thành A, thời gian qua được tập trung phối hợp xử lý tiêu hủy đúng hướng dẫn, đúng quy định. Sau khi xử lý xong, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổng hợp báo cáo đến các cơ quan cấp trên để có chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh, cùng tham gia với cơ quan chức năng để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo: Dịch tả heo châu Phi nguy hiểm hơn các bệnh khác là không có vắc-xin, không có thuốc trị, mầm bệnh lại tồn tại lâu dài ngoài môi trường, vì thế bà con cần chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại kỹ lưỡng; tuân thủ nghiêm khắc về an toàn sinh học. Tất cả các yếu tố liên quan đến việc “ra - vào” trại chăn nuôi đều phải được tiêu độc khử trùng. Dù bệnh dịch tả heo châu Phi này chỉ lây trên heo nhưng không được chủ quan lơ là, phải cảnh giác cao độ. Tính tới chiều ngày 14-5, ổ dịch ở huyện Châu Thành A đã qua 21 ngày, chưa có dấu hiệu phát sinh mới. Đối với ổ dịch ở xã Vĩnh Tường, đến nay mới qua 8 ngày, không có phát hiện mới.

Huyện Vị Thủy: Họp khẩn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

(HG) - Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo của các hộ dân ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, ngoài tiến hành tiêu hủy và phun thuốc tiêu độc khử trùng trước đó, ngày 14-5, ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy đã họp khẩn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo báo cáo nhanh (cập nhật mới nhất) của ngành nông nghiệp, ngày 6-5, trên địa bàn huyện có 2 đàn heo 24 con của 2 hộ dân ngụ tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, có triệu chứng bệnh dịch tả heo châu Phi. Sau khi có kết quả của Chi cục Thú y Vùng VII, Trạm chăn nuôi - thú y huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiêu hủy hết số heo mắc bệnh và tiêu độc khử trùng với bán kính 3km liên tục 7 ngày. Đến nay, qua 8 ngày không có gia súc chết và tiêu hủy do bệnh.

Toàn huyện Vị Thủy hiện có tổng đàn heo trên 10.700 con. Có khoảng 60% số heo cung cấp cho người tiêu dùng hàng ngày tại huyện từ các tỉnh ngoài chuyển về. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh nếu công tác kiểm dịch  không chặt chẽ.

THU HIỀN 

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>