Tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản

29/08/2017 | 07:42 GMT+7

Để gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được một số nhãn hiệu tập thể cho các cây, con chủ lực. Trên thực tế, khi được bảo hộ, không ít nông sản gia tăng được giá trị, trở thành thương hiệu nổi tiếng, có chỗ đứng trên thị trường.

Chanh không hạt Hậu Giang đã tạo chỗ đứng va tăng sản lượng hàng năm nhờ được xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Tăng giá trị

Năm năm qua, chanh không hạt Hậu Giang đã nổi tiếng cả nước, sản lượng xuất đi mỗi năm hàng ngàn tấn. Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành là nơi đầu mối tiếp nhận và sử dụng nhãn hiệu chanh không hạt Hậu Giang. Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX, cho biết: “Hàng ngày, HTX thu mua 10-15 tấn chanh. Từ khi đăng ký nhãn hiệu chanh không hạt Hậu Giang và sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GAP thì sản lượng tăng gấp đôi so với trước. Chanh được xuất bán cho thị trường trong nước, các nước Đông Âu nên giá cả, số lượng tăng từng năm. Giá cả bình ổn đã giúp nhiều thành viên HTX, nông dân ổn định thu nhập”.

Một minh chứng rõ ràng nhất là giá trị cá thát lát Hậu Giang được tăng lên 15% so với trước khi được bảo hộ nhãn hiệu. Nếu như hiện nay, chả cá thát lát bán ngoài thị trường với giá 140.000 đồng/kg thì cá thát lát Hậu Giang được tiêu thụ tại siêu thị dao động từ 160.000-200.000 đồng/kg (tùy loại mặt hàng như cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương, chả cá thát lát). Bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở Thùy Như, cho biết: “Cơ sở tôi là thành viên sử dụng nhãn hiệu cá thát lát Hậu Giang nên hưởng lợi nhiều hơn khi chưa có nhãn hiệu. Cơ sở được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, chương trình giới thiệu sản phẩm nên có được nhiều hợp đồng kinh doanh mới. Giờ đây, sau 2 năm sử dụng nhãn hiệu, sản phẩm cá thát lát của cơ sở đã mở rộng được thị trường ra các tỉnh miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt giá cá bán ra luôn ổn định và cao hơn thị trường ít nhất 15.000 đồng/kg”.

Theo ngành chức năng tỉnh, mặc dù một số sản phẩm đã được gắn nhãn hiệu, nhưng vẫn còn tình trạng cơ sở sử dụng chưa tuân thủ các quy định, mạnh ai nấy làm. Quan niệm không gắn nhãn hiệu vẫn tiêu thụ được còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Không ít người dân, HTX cho rằng họ bán hàng cho thương lái, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng, thu tiền ngay tận ruộng nên chưa quan tâm nhiều đến nhãn hiệu. Tuy nhiên, sản phẩm bán thô sẽ có giá trị thấp hơn so với sản phẩm được sơ chế. Hơn nữa, nếu nông dân thực hiện phương thức cũ phải phụ thuộc vào doanh nghiệp, thương lái và tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra. Một khi nông sản đã thu hoạch, nếu không có hợp đồng ràng buộc từ trước thì phải bán rẻ cho thương lái, dẫn đến doanh thu không đủ chi trả cho chi phí đầu tư. Trái lại, nếu sử dụng sản phẩm có nhãn hiệu đã được bảo hộ, sản xuất theo hợp đồng có sẵn thì nông dân sẽ cầm chắc lợi nhuận.

Quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể

Nhận thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, những năm qua, UBND tỉnh và ngành chức năng Hậu Giang đã xây dựng nhiều chương trình, đề án liên quan. Năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong tỉnh. Cùng lúc này, 2 dự án về sở hữu trí tuệ được thực hiện, đó là dự án “Tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang”, “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang”. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh có 9 loại nông sản chủ lực đã được bảo hộ là khóm Cầu Đúc Hậu Giang, cá thát lát Hậu Giang, quýt đường Long Trị, chanh không hạt Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2. Đặc biệt, trong năm 2017, Sở KH&CN tỉnh được Bộ KH&CN phê duyệt chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý khóm Cầu Đúc Hậu Giang của tỉnh Hậu Giang” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Mới đây, Sở KH&CN tỉnh đã giới thiệu “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Chương trình hướng tới việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho tổ chức, cá nhân; hỗ trợ đăng ký, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm mang địa danh có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo chương trình, sẽ có 7 dự án về khóm Cầu Đúc, cá thát lát, mãng cầu, quýt đường Long Trị, chanh không hạt, xoài cát sẽ được đăng ký chỉ dẫn địa lý, phát triển nhãn hiệu tập thể.

Theo ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh thì mục tiêu của chương trình sẽ góp phần nâng giá trị cho nông sản Hậu Giang. Qua đây, giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc phát triển tài sản trí tuệ. Từ chương trình này, Sở KH&CN mong muốn các mô hình tổ chức sản xuất của nông dân, HTX trong tỉnh áp dụng được các tiến bộ khoa học, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích