Tăng trưởng ​Quý 1 cao nhất 10 năm, nhưng kinh tế vĩ mô chưa thật vững

21/05/2018 | 16:41 GMT+7

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt mức cao nhất 10 năm qua, nhưng kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sáng nay (21/5) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% và xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Quý I/2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%).

Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.

Bức tranh kinh tế quý I/2018 có nhiều điểm sáng.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...

Ổn định nhưng chưa thật vững chắc

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do nhiều nguyên nhân. Trong đó có xu hướng giá dầu thô, hàng hóa cơ bản tăng; thực hiện lộ trình tăng lương và lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam ở mức 20,9% GDP, cao hơn Thái Lan là 15% GDP, Trung Quốc 14,5% GDP, Malaysia và Philippines 13% GDP.

Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm. Chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành còn cao.

Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn , trong đó có dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại; chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; ngành khai khoáng gặp khó khăn. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp chưa đồng bộ, còn bất cập. Công tác dự báo thị trường còn hạn chế; nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Tình trạng rau, củ, quả, mía đường… dư thừa xảy ra tại một số địa phương. Việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, nhất là về kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ; chưa có nhiều thương hiệu mạnh, chất lượng cao. Hàng xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ kỹ thuật của nước ngoài.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, công tác cổ phần hóa, thoái vốn có nơi còn chậm; nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cũng đánh giá dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng năm 2017.

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây đang là kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>