Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

11/09/2017 | 09:11 GMT+7

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Hậu Giang sẽ là cầu nối giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin vay vốn, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Lê Thanh Tiền (ảnh), Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Hậu Giang, cho biết:

- Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2017 là một trong những sự kiện quan trọng của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các dự án trọng điểm, các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để chuẩn bị tốt cho hội nghị lần này, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động tìm kiếm khách hàng để ký kết tín dụng hoặc ký cam kết hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.

Thưa ông, để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, NHNN tỉnh có những biện pháp nào ?

- Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn chủ động tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn. Đặc biệt, ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Bên cạnh đó, chi nhánh luôn chủ động cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh dự các buổi đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hàng năm, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để các NHTM giới thiệu chương trình tín dụng ưu đãi của riêng từng ngân hàng. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các NHTM đã thực hiện ký kết nhiều hợp đồng tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Ngoài ra, để tạo được cầu nối gắn kết hơn nữa giữa ngân hàng với doanh nghiệp, NHNN chi nhánh Hậu Giang đã thành lập Ban hỗ trợ tiếp cận tín dụng để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, đơn vị cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần phát huy tính minh bạch, rõ ràng về tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có thị trường ổn định, cải tiến công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh đáp ứng được những yêu cầu cơ bản trong hoạt động tín dụng ngân hàng… Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Có như vậy, hoạt động tín dụng và sản xuất kinh doanh, cũng như mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo phát triển bền vững.

Thưa ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp hay dự án nào được tiếp cận nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ?

- Đến thời điểm hiện tại thì chưa có doanh nghiệp hay dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn vay ngân hàng trên địa bàn. Hy vọng qua Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này sẽ có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Theo ông, vấn đề còn khó trong việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là gì ?

- Thời gian qua, ngành nông nghiệp trong tỉnh tuy có bước phát triển, đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự bền vững. Quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa thực sự trở thành nền sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp. Đặc biệt, vẫn thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp vào các dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) chưa thực sự gắn bó.

Sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, sản lượng, hiệu quả và chất lượng cao; phát huy được lợi thế của một tỉnh nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng cho khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hoàn thiện, đây là cản trở đối với các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu vực này.

Thưa ông, cụ thể trong Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh lần này, ngành ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi gì cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ?

- Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, chi nhánh đã chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, kèm với đó là điều kiện cho vay được đảm bảo thuận lợi và thông thoáng nhất để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh.

Năm nay, ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục cân đối nguồn vốn tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Về quy trình, thủ tục vay vốn thì ngành cam kết sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp được thuận lợi nhất trong tiếp cận vốn vay, cũng như giao dịch với ngân hàng. Để được tiếp cận vốn vay ngân hàng, trước hết khách hàng phải tự tháo gỡ khó khăn của mình như nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính, uy tín của doanh nghiệp, phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi… để đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng.

Thưa ông, đâu là điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi ?

- Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh thì sẽ được xem xét cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỉ đồng của Chính phủ. Bên cạnh đó, dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học - Công nghệ.

Về điều kiện cho vay được thực hiện theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.

Về lãi suất cho vay, NHTM cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của khách hàng để thực hiện chương trình với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM và phù hợp với quy định. Khách hàng vay được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại quyết định này. Đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của NHTM và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cung cấp.

Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định. Khách hàng phải có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định.

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>