Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế

31/07/2019 | 08:37 GMT+7

Gần 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Vị Thanh đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, các lĩnh vực kinh tế phát triển đúng định hướng.

Khởi công nhà máy sản xuất khóm đóng hộp, nước trái cây Hậu Giang tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh.

Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu

Xác định thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng làm mũi nhọn, cơ cấu kinh tế thành phố Vị Thanh hiện nay đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng 2 lĩnh vực này. Chỉ trong gần 5 năm qua, nhiều nhà đầu tư đã chọn Vị Thanh là điểm đến tiềm năng. Nhiều dự án trung tâm thương mại, mua sắm, chuỗi cửa hàng đưa vào hoạt động, tạo điểm sáng về phát triển thương mại của thành phố. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn có 5.855 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tăng 140 cơ sở so với năm 2016, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nhờ đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm chất lượng, đa dạng chủng loại và có thể trải nghiệm nhiều hình thức kinh doanh hiện đại, mang đến tiện ích tối ưu cho khách hàng.

Tuy chỉ chiếm khoảng 8,71% trong cơ cấu sản xuất, thành phố vẫn tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nông thôn theo hướng hiện đại. Thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh lúa, khóm, nuôi thủy sản… phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình sản xuất của địa phương. Các đề án trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp như Đề án mở rộng khóm Cầu Đúc Hậu Giang, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp được 682 tỉ đồng, đạt 97,57% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả đáng khích lệ khi hiện nay 4/4 xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch.

Hoạt động sản xuất công nghiệp - xây dựng cũng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành phố luôn tạo điều kiện để khai thác các tiềm năng và thế mạnh, thu hút các nhà đầu tư. Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố đã thu hút thêm 9 doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn trên 200 tỉ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp lên 21, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động. Lĩnh vực xây dựng có khởi sắc khi trong giai đoạn 2016-2018 đã có 5 dự án khu dân cư đô thị, trong đó 1 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị Vị Thanh, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tuy có bước phát triển nhưng còn tồn tại nhiều thách thức. Một trong số đó là tốc độ triển khai các dự án còn chậm. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu đa dạng, chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tuy có quan tâm công tác kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhưng thu hút đầu tư vào địa bàn chưa nhiều. Sản xuất công nghiệp còn ảnh hưởng lớn từ hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ. Do đó, cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.265 tỉ đồng, đạt trên 77% kế hoạch.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tái cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành kinh tế, duy trì cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và bền vững, thành phố đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, các giải pháp mang tính đột phá là đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, sử dụng công nghệ tiên tiến để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường và phù hợp với lợi thế tại địa phương mà trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản chất lượng cao. Song song đó là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào dự án lớn, tạo đòn bẩy để đưa công nghiệp tăng tốc.

Đầu năm 2019, đã có 2 doanh nghiệp đầu tư vào 2 dự án là Nhà máy sản xuất khóm đóng hộp, nước trái cây Hậu Giang tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh và Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao tại Cụm công nghiệp kho tàng và bến bãi Tân Tiến, tại xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh. Trong đó, dự án Nhà máy chế biến khóm đóng hộp đã khởi công xây dựng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, ngoài góp phần phát triển kinh tế địa phương, còn tạo việc làm cho người lao động nhất là lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nhận định: Thành phố Vị Thanh đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế thực hiện chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Do đó, thành phố cần có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Ngoài ra, cần tích cực phối hợp với các sở, ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, xây dựng danh mục đầu tư để chủ động nắm bắt các cơ hội đầu tư trong tương lai.

Phát biểu tại buổi khảo sát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên địa bàn thành phố Vị Thanh, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của thành phố Vị Thanh. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thành phố đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, song cần xác định rõ nguyên nhân của hạn chế này để định hướng tốt trong nhiệm kỳ tới. Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài tập trung phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, cần tập trung xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đặc biệt, thành phố còn có tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, cần sự quan tâm đầu tư đúng mức để khai thác có hiệu quả trong tương lai.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>