Thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội: Còn nhiều thách thức

08/08/2019 | 17:35 GMT+7

Kết thúc tháng 7, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên động vật hoành hành đã và đang ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhất là ở khu vực I.

Nhờ ưu tiên canh tác giống lúa chất lượng nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến nông dân Hậu Giang để hợp đồng mua lúa.

Những kết quả khả quan

Một trong những nét nổi bật về sản xuất nông nghiệp là Sở NN&PTNT tỉnh cùng các địa phương đã tập trung kêu gọi doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu và tiêu thụ lúa Hè thu cho nông dân. Nhờ vậy, nhiều diện tích lúa Hè thu của nông dân có đầu ra và giá bán ổn định. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 7 thì có đến 6 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện ký hợp đồng liên kết bao tiêu lúa Hè thu cho nông dân, với tổng diện tích 1.013ha của 1.050 hộ. Còn tính từ đầu năm đến nay thì có 24.004ha lúa của 23.078 hộ dân được ký hợp đồng liên kết bao tiêu từ 40 công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Nhờ người dân chọn canh tác những giống lúa chất lượng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, đồng thời áp dụng nhiều quy trình sản xuất tiến bộ để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành nên Hậu Giang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con, nhất là trong vụ lúa Đông xuân vừa qua và vụ lúa Hè thu đang thu hoạch. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch gần 70.000ha trong tổng số gần 78.100ha lúa Hè thu đã xuống giống, ước năng suất bình quân gần 6,3 tấn/ha. Điều phấn khởi là giá lúa Hè thu cuối vụ trên địa bàn tỉnh đang tăng từ 500-600 đồng/kg so với thời điểm cách nay khoảng một tháng và hiện dao động ở mức từ 5.100-5.200 đồng/kg (giống lúa OM 5451). Ngoài thu hoạch lúa Hè thu thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang chỉ đạo các địa phương tập trung vận động người dân ở những nơi có điều kiện sẽ xuống giống lúa Thu đông nhằm đạt diện tích theo kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, lúa Thu đông cũng xuống giống được hơn 35.000ha (kế hoạch 37.000ha).

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp thì giá trị sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm cũng có nhiều khởi sắc khi thực hiện đạt 14.806 tỉ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ và hiện đạt 52,7% kế hoạch năm. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện 7 tháng đạt 22.234 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ và đạt 59,9% kế hoạch năm. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 7 tháng qua đạt 11.233 tỉ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ và đạt 62,6% kế hoạch. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin: Nguyên nhân vốn đầu tư toàn xã hội tăng là do tỉnh đã chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời sớm đưa các công trình hoàn thành vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các lĩnh vực trên thì ngành giáo dục của tỉnh cũng có nhiều điểm nổi bật, trong đó điển hình là chỉ đạo sâu sát công tác chấm thi THPT quốc gia và tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia của tỉnh đạt 94,45%, trong đó hệ giáo dục THPT đạt tỷ lệ 95,47% và hệ giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 69,47%. Ngoài ra, hiện ngành đã hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020, tổ chức bồi dưỡng hè cho giáo viên. Bên cạnh đó, công tác đầu tư, nâng chất trường lớp cũng được ngành và địa phương quan tâm thường xuyên, nhờ vậy đến nay toàn tỉnh có 216/336 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,28% và số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn là 60/85 trường, đạt tỷ lệ 70,59%.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, cho hay: Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Hậu Giang do Sở GD&ĐT tỉnh phối hợp cùng Trường Đại học An Giang tổ chức được Bộ GD&ĐT đánh giá là an toàn, nghiêm túc và chất lượng. Riêng trong tháng 8 này, sở sẽ tiến hành làm việc với các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh để nghe các đơn vị báo cáo về công tác chuẩn bị cho năm học 2019-2020, đồng thời cũng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị để năm học mới được diễn ra thành công. Theo đó, ngày 19-8 tới, các em học sinh sẽ bắt đầu nhập học, riêng lễ khai giảng năm học mới sẽ được các trường tổ chức đồng loạt vào ngày 5-9 như hàng năm.  

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Nhiều khó khăn đặt ra

Song hành cùng những kết quả nổi bật đạt được thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều sở, ngành tỉnh, địa phương cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là ở lĩnh vực của khu vực I. Theo đó, vấn đề khó khăn và lo lắng nhất hiện nay là tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh về số ổ và heo mắc bệnh bị chết, tiêu hủy; từ đó gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi và bà con. Qua thống kê nhanh của ngành thú y tỉnh, đến ngày 7-8, toàn tỉnh ghi nhận có 1.159 ổ dịch tả heo châu Phi ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với tổng số heo mắc bệnh chết và tiêu hủy là 28.878 con, trong đó có một số địa phương có heo bị chết và tiêu hủy chiếm hơn 50% tổng đàn.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi ngày càng diễn ra nghiêm trọng nên nhiều sở, ngành tỉnh và địa phương đặt ra vấn đề là giải pháp ngăn dịch bệnh của ngành thú y tỉnh trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, do đó cần có giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ đàn heo còn lại. Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, từ đó tạo tâm lý lo lắng cho người chăn nuôi. Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến đầu tháng 8 này, tổn thất cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh là hơn 32 tỉ đồng, nhưng chỉ mới chi hỗ trợ cho người dân được khoảng 8 tỉ đồng.

Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, chia sẻ: Đến đầu tháng 8, toàn thành phố ghi nhận có 103 ổ dịch tả heo châu Phi và gây thiệt hại 30% tổng đàn. Hiện tại, thành phố xuất nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh và tiêu hủy đợt 1 là 600 triệu đồng, trong khi nhu cầu hỗ trợ là 4,1 tỉ đồng và số tiền này vượt khả năng của thành phố nên đề nghị tỉnh có giải pháp hỗ trợ.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Hiện sở đã chỉ đạo ngành thú y xem xét lại các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, trong đó xem nguyên nhân trọng tâm gì mà dịch bệnh chưa được khống chế để có hướng khắc phục. Ngoài ra, ngành thú y sẽ tiến hành đi học tập kinh nghiệm trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi hiệu quả tại một số tỉnh bạn và công ty chăn nuôi heo, sau đó đem các giải pháp về áp dụng tại địa phương mình nhằm giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn heo, hạn chế số heo mắc bệnh phải tiêu hủy. 

Ngoài khó khăn về dịch tả heo châu Phi thì tình hình mưa dầm kèm theo giông lốc còn gây sập và tốc mái nhiều căn nhà, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 3-8 đến nay, toàn tỉnh có 19 căn nhà bị sập, tốc mái 165 căn nhà và 6 trường học, ước thiệt hại gần 2 tỉ đồng; đồng thời mưa dầm trong những ngày qua còn gây thiệt hại hàng chục héc-ta lúa Thu đông mới xuống giống. Cùng với mưa, giông lốc thì tình hình sạt lở bờ sông cũng đang diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 36 điểm sạt lở, tăng 16 điểm so với cùng kỳ; tổng chiều dài sạt lở là 845,7m, diện tích mất đất 4.027,7m2; ước tổng thiệt hại gần 2 tỉ đồng, tăng 360 triệu đồng so cùng kỳ.

Bên cạnh khó khăn về thiên tai thì tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có sự sụt giảm nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện 7 tháng đầu năm đạt hơn 500 triệu USD, giảm 13,6% so cùng kỳ và chỉ đạt 48,14% kế hoạch. Trước nhiều khó khăn trên, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh tập trung mở rộng tối đa diện tích sản xuất Thu đông ở những vùng có đủ điều kiện để phấn đấu đạt sản lượng lúa cả năm trên 1,2 triệu tấn, qua đây góp phần bù đắp phần nào thiệt hại cho ngành chăn nuôi để đảm bảo cuối năm đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cho khu vực I. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan của tỉnh và địa phương tiếp tục chỉ đạo hiệu quả hơn công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là đối với dịch tả heo châu Phi như hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, trong đó lưu ý sớm giúp dân khắc phục nhà bị sập, tốc mái và khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở đất, cũng như công tác di dời dân ra khỏi vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>