Tìm đầu ra cho nông sản sạch

06/06/2017 | 07:22 GMT+7

Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu, các điểm bán, ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm tại địa phương.

Nông dân tham gia chuỗi sản xuất rau an toàn kỳ vọng có đầu ra ổn định.

Trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ, đòi hỏi phải có sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng. Vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn và hiện có 12 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, điều mong mỏi nhất của người dân hiện nay là làm thế nào đưa những sản phẩm rau sạch này đến với thị trường, trước mắt là phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Cách làm của tỉnh hiện nay là xúc tiến tìm đầu ra cho chuỗi rau an toàn. Đây sẽ là tín hiệu phấn khởi cho những hộ dân tham gia chuỗi và mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch của Hậu Giang.

Những ngày đầu tháng 6 này, ông Huỳnh Hữu Phúc đang chuẩn bị cho ra mắt cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn phường III, thành phố Vị Thanh. Dự kiến đến giữa tháng 6-2017 thì cửa hàng của ông Phúc sẽ hoàn thiện khâu thiết kế cửa hàng và bố trí trang thiết bị bảo quản thực phẩm, cũng như các mặt hàng rau, củ, quả bày bán tại cửa hàng. Ông Phúc cho biết: “Về nông sản, cửa hàng sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm rau an toàn do nông dân trong chuỗi sản xuất để bày bán. Vừa có nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường, vừa góp phần tạo đầu ra cho nông dân tham gia chuỗi”.

Ngoài việc liên kết với các chuỗi cửa hàng tiện ích, ngành của tỉnh đang tính toán, làm cầu nối liên kết với các bếp ăn tập thể của các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Trong chuyến tham quan bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cùng các sở, ngành đã giới thiệu về mô hình chuỗi rau an toàn và bày tỏ mong muốn làm cầu nối giúp các đơn vị tiếp cận dễ dàng với nguồn nông sản sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm tại địa phương.

Còn tại Công ty Cổ phần May Nhà Bè, trung bình mỗi ngày bếp ăn tập thể của đơn vị cung cấp khoảng 1.400 suất ăn cho công nhân vào buổi trưa. Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần May Nhà Bè, thông tin: “Chỉ tính riêng mặt hàng rau xanh, trung bình mỗi tuần đơn vị sử dụng khoảng 400kg để phục vụ. Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất ở đây là nguồn thực phẩm cung ứng mỗi ngày phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cán bộ, công nhân nhà máy”.

Ông Lê Văn Khởi, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bày tỏ: “Chúng tôi sẽ giới thiệu các sản phẩm do nông dân trong chuỗi sản xuất rau an toàn đến với đơn vị. Nếu được, công ty có thể đặt hàng theo thực đơn tuần để có được nguồn cung ổn định. Ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nông sản sạch sản xuất tại địa phương”.

Riêng Công ty TNHH Lạc Tỷ II, trung bình mỗi bữa ăn, khu bếp tập thể của công ty này phục vụ 7.800 suất ăn cho cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Vì cung ứng lượng lớn thức ăn mỗi ngày nên đơn vị luôn chú trọng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Trần Công Minh Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, thông tin: “Từ một đầu mối của tổng công ty sẽ đảm bảo vai trò thu mua và phân phát thực phẩm xuống cho các nhà máy. Nhưng thay vì phải vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống, nếu có nguồn đảm bảo thì đơn vị vẫn có thể ký kết lấy nguồn tại địa phương. Nhưng với điều kiện là mức giá chấp nhận được và nguồn hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Bên cạnh việc tạo cầu nối liên kết giới thiệu sản phẩm của chuỗi sản xuất rau an toàn đến với các bếp ăn tập thể, các ngành của tỉnh cũng đang khảo sát, tính toán hướng liên kết với một vài tiểu thương ở các chợ đầu mối lớn trên địa bàn để bày bán các sản phẩm rau sản xuất trong chuỗi, tạo điều kiện cho người tiêu dùng ở địa phương tiếp cận với các sản phẩm rau an toàn. Trong chuyến khảo sát tại chợ Vị Thanh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng: Ở các lô hàng tại chợ, để thực hiện quy trình đảm bảo rau sạch từ chỗ sản xuất đến nơi buôn bán còn rất nhiều khó khăn do các lô, sạp liền kề với nhau, việc đầu tư bảo quản rau sạch khó đảm bảo. Bên cạnh đó, cũng do thói quen mua bán ở khu vực chợ, gặp đâu mua đó của người dân. Vì thế, không thể để các sản phẩm rau sạch chung với các loại rau sản xuất thông thường khác. Thông qua chuyến khảo sát lần này, các sở, ngành sẽ tính toán, bố trí hợp lý cho các sản phẩm rau sạch. Với bếp ăn tập thể, nếu có nhu cầu thì các ngành của tỉnh sẽ làm cầu nối giúp các đơn vị tiếp cận với nguồn nông sản sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm của Hậu Giang.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>