Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

04/12/2018 | 14:44 GMT+7

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam vẫn đang tích cực, kiên trì đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở cho hội nhập toàn diện.

Đây là khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả” do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức sáng 4/12.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP) được ký kết vào tháng 3/2018 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 12/11/2018 và chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/01/2019. Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6/2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này.

Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018

Trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; quá trình Brexit để nước Anh rời khối EU… đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, qua đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.

“Về phía trong nước, Việt Nam vẫn đang tích cực, kiên trì đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở cho hội nhập toàn diện”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.

Ngoài ra, trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu.

“Một số quốc gia trước kia vốn đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại nay lại trở thành yếu tố ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương nói riêng và của cả quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trên toàn thế giới nói chung. Đặc biệt đáng lưu ý là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với một số đối tác, đặc biệt với Trung Quốc vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, những sự kiện, diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Về khuynh hướng thương mại toàn cầu, Tiến sỹ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, những thành quả của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một cách đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia.

“Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó, Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu”, ông Deepak Mishra khuyến nghị.

Tại Diễn đàn, các diễn giả tập trung thảo luận, phân tích, dự báo những xu thế diễn biến trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực. Đặc biệt là xu thế bảo hộ thương mại và diễn biến của quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn của thế giới tác động tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Diễn đàn đánh giá các khía cạnh liên quan đến công tác triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (CPTPP và EVFTA), những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi các vấn đề trọng tâm trong việc thực thi các chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>