Vụ Đông xuân 2017-2018: Ưu tiên sản xuất lúa chất lượng cao

03/11/2017 | 06:15 GMT+7

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào vụ gieo sạ lúa Đông xuân 2017-2018, một vụ mùa chủ lực trong năm. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì những nơi gò cao, có đê bao kiên cố, bơm rút nước tốt... sẽ xuống giống trước; sau đó sẽ gieo sạ cao điểm trong tháng 11-2017. Phương châm là tuân thủ đúng lịch thời vụ nhằm né sâu bệnh, đạt năng suất cao.

Vụ Đông xuân 2017-2018, nhiều địa phương ở ĐBSCL tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao.

Giá lúa tăng, nông dân phấn khởi

Thời điểm này, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch cuối vụ lúa Thu đông 2017 và chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân 2017-2018. Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, kế hoạch năm nay các huyện sản xuất khoảng 159.000ha lúa Thu đông, hiện đã và đang thu hoạch. Nếu như thời điểm đầu mùa, dự báo lũ lớn nhưng cuối cùng thì mực nước lũ không quá cao, trong khi hầu hết lúa Thu đông đều có đê bao an toàn nên không bị ảnh hưởng. Điều đáng mừng là năng suất lúa đạt khá và bán tương đối cao nên nông dân phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Linh, ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang), tiết lộ: “Vừa thu hoạch xong 1ha lúa được 6 tấn và thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/kg, tính ra lãi nhiều hơn vụ Hè thu. Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết hơn 34.000ha lúa Thu đông vừa được nông dân thu hoạch xong, năng suất đạt bình quân khoảng 5,5 tấn/ha; giá lúa tươi loại thường được thương lái mua từ 5.100-5.200 đồng/kg, lúa tươi hạt dài từ 5.400-5.600 đồng/kg... đảm bảo lợi nhuận tương đối khá.

Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ… giá lúa Thu đông cuối vụ đang tăng từ 300-500 đồng/kg so thời điểm đầu tháng 10, làm cho nông dân phấn khởi. Ông Trần Văn Ni, ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), nhìn nhận: “Vụ Thu đông này nhờ ít sâu bệnh, lũ về cũng không cao và không gây ảnh hưởng cho lúa nên năng suất đạt 5,7-6 tấn/ha, cộng được giá nên nông dân có lãi bình quân khoảng 20 triệu đồng/ha, tạo tâm lý phấn khởi cho vụ Đông xuân tới…”.

Theo Bộ NN&PTNT, vụ Đông xuân 2017-2018, toàn vùng ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu héc-ta lúa; thời vụ gieo sạ từ cuối tháng 10-2017 đến khoảng tháng 1-2018. Ở những nơi đất gò cao, ít bị ngập lũ… sẽ chủ động xuống giống sớm; các địa phương ven biển cần chủ động nguồn nước ngọt nhằm đề phòng hạn hán và xâm nhập mặn có thể gây hại cho lúa. Tại Kiên Giang, nơi có diện tích lúa Đông xuân dẫn đầu vùng ĐBSCL hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết có kế hoạch gieo trồng 290.000ha lúa Đông xuân 2017-2018, phấn đấu đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn. Ngành nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ thành 3 đợt xuống giống gồm: Đợt 1, xuống giống trong tháng 9-2017, ở các huyện thuộc vùng U Minh Thượng do nơi đây không bị lũ, nhưng thường bị ảnh hưởng mặn cuối vụ, vì vậy phải sạ sớm; đợt 2, xuống giống trong tháng 10-2017 ở  những nơi không bị ảnh hưởng mặn cuối vụ thuộc khu vực U Minh Thượng và vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm thuộc các huyện vùng Tây sông Hậu; đợt 3, xuống giống trong tháng 11-2017, ở các khu vực sản xuất 3 vụ/năm, 2 vụ/năm của vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, những khu vực trũng còn lại của vùng Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên sẽ gieo sạ dứt điểm nửa đầu tháng 12.

Đẩy mạnh sản xuất lúa sạch

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, khoảng 80.000ha lúa Đông xuân 2017-2018 được khuyến cáo nông dân sản xuất từ giữa cuối tháng 11-2017 đến giữa tháng 1-2018. Chủ trương của tỉnh là tăng cường sạ hàng, sạ thưa, áp dụng né rầy… nhằm đạt hiệu quả cao. Hiện ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình “3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm” trong sản xuất, tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra hệ thống cống thủy lợi, ngăn mặn, giữ ngọt cuối vụ theo yêu cầu sản xuất thực tế tại từng vùng, khu vực và từng thời điểm; theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước, mặn xâm nhập vào mùa khô… để kịp thời thông báo cho nông dân chủ động ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Kế hoạch vụ Đông xuân 2017-2018 toàn tỉnh xuống giống khoảng 206.000ha, năng suất ước tính bình quân đạt 6,8 tấn/ha, sản lượng 1,4 triệu tấn. Đồng Tháp chủ trương sản xuất khoảng 60% diện tích lúa chất lượng cao; khoảng 45% diện tích áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng. Tỉnh yêu cầu các huyện, thị vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt để né rầy và không bị ảnh hưởng các loại dịch bệnh khác. Mục tiêu của tỉnh là sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập nông dân... Vì vậy, để vụ Đông xuân tới đảm bảo thắng lợi, tỉnh đề ra khung thời vụ xuống giống theo 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 1 đến 7-11) xuống giống khoảng 50.000ha, ở các huyện Tháp Mười, Tân Hồng và Cao Lãnh, đây là những khu vực gò cao, mực nước lũ thấp, có đê bao vững chắc, có thể chủ động bơm rút nước để xuống giống và tiêu nước khi bị ngập úng do mưa. Đợt 2 (từ ngày 29-11 đến 5-12), đây là đợt xuống giống tập trung tại các huyện, thị, với diện tích khoảng 100.000ha (chiếm gần 50% diện tích kế hoạch). Xuống giống đợt này, dự kiến lúa Đông xuân thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán 2018. Để việc tiêu thụ lúa thuận lợi thì các địa phương cần chủ động liên kết, bao tiêu trong sản xuất… Đợt 3, từ cuối tháng 12-2017 đến tuần đầu tháng 1-2018, sẽ xuống giống dứt điểm đối với những diện tích còn lại và nhằm cách ly thời vụ cho vụ Hè thu 2018.

Tại thành phố Cần Thơ, vụ Đông xuân 2017-2018 dự kiến xuống giống hơn 84.000ha, sản lượng gần 600.000 tấn. Trong đó, ngành nông nghiệp chủ trương sản xuất khoảng 10.000ha lúa sạch ở các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thốt Nốt, theo kỹ thuật tiên tiến, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhằm tăng lợi nhuận cho người dân. Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ và các ngành liên quan sẽ kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia bao tiêu cho khoảng 5.300 hộ làm lúa sạch. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, sản xuất lúa sạch là hướng đi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm và phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, còn nâng cao trình độ canh tác cho nông dân; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ. Do đó, để mô hình này thành công thì vai trò tham gia của doanh nghiệp là quan trọng. Vì vậy, các ngành chức năng, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi và phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp trong phát triển mô hình lúa sạch.

Phân bón tăng giá

Mặc dù vụ lúa Đông xuân 2017-2018 mới chuẩn bị xuống giống nhưng phân bón trên thị trường bắt đầu tăng giá từ 40.000-80.000 đồng/bao (loại 50kg). Theo đó, urê Cà Mau có giá 360.000 đồng/bao, urê Phú Mỹ giá 564.000 đồng/bao, DAP 64 Hồng Hà 600.000 đồng/bao, kali Phú Mỹ 400.000 đồng/bao… Nhiều nông dân ở ĐBSCL lo ngại việc tăng giá phân bón sẽ làm cho chi phí giá thành sản xuất tăng lên, lợi nhuận của người trồng lúa bị giảm.

 

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>