Vượt khó làm giàu

02/11/2017 | 08:28 GMT+7

Nhờ ý chí vươn lên cộng với biết tính toán trong sản xuất nên ông Lâm Trường Thọ (người Hoa), ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, không chỉ vượt qua đói nghèo mà còn trở nên giàu có...

Ông Thọ bên rẫy khóm của mình.

Vừa cặm cụi chăm sóc 5 công khóm xanh mướt trồng cách đây hơn 8 tháng, ông Thọ cho biết: “Thông thường, khóm từ khi trồng đến bắt đầu xử lý cho trái khoảng 9 tháng, 5 công này chỉ hơn 8 tháng nhưng đa phần có thể xử lý cho trái được, đó là do cách thức mình chăm sóc”.

Tính toán kỹ lưỡng

Năm nay, ông Thọ chỉ mới 40 tuổi nhưng đã trải qua không ít lần thất bại trong sản xuất. Hiện tại, ông có hơn 3ha khóm. Trước khi trồng loại cây này, ông trồng mía, nhưng trong những năm 2000, giá mía rớt thê thảm, chỉ còn 300-400 đồng/kg nên đành phá mía để trồng đào (đào lấy hột). Trồng được vài năm, đến khi đào cho thu hoạch lại bị sâu bệnh, cộng với rớt giá nên ông đau đớn đốn hạ, dẫn đến gia cảnh lâm vào khó khăn.

Nghiền ngẫm tính toán, ông quyết định trồng khóm. “Trước đây, gia đình tôi cũng đã trồng khóm rồi, nhưng lúc ấy giá biến động dữ lắm nên lợi nhuận không có là bao”, ông Thọ cho biết.

Rút kinh nghiệm trong những lần thất bại trước nên ông tiến hành ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Theo đó, hơn 3ha khóm ông không xử lý cho trái đồng loạt mà xen kẽ. Khoảng 5-6 công khóm là ông xử lý một đợt, từ đó trung bình khoảng 2 tháng là có thu hoạch. Cụ thể, có thời điểm giá khóm hơn 10.000 đồng/kg, hơn 3ha khóm của ông một phần không nhỏ được mùa, được giá. Còn trong năm nay, khi vào mùa khoảng 6.000 đồng/kg, lúc ấy ông có gần 8.000 trái để bán, trừ chi phí cũng lời gần 20 triệu đồng/đợt.

Từ khi áp dụng xử lý cho trái theo ý muốn thì hầu như các lần ông bán đều được giá hơn so với nhiều bà con ở đây. Từ cách làm trên, mô hình trồng khóm của ông được nhiều người dân đến học hỏi và vận dụng vào phần đất khóm của mình.

Nói về bí quyết, ông Thọ cười: “Làm bất cứ chuyện gì cũng phải có kế hoạch và khoa học, trồng khóm cũng vậy. Bên cạnh đó, phải nắm bắt nhu cầu của thị trường để tránh được mùa mất giá.

Chỉ dẫn tận tình cho bà con

Không chỉ là người vượt khó trong sản xuất, ông còn là chỗ dựa của nhiều gia đình ở đây trong phát triển kinh tế. Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp nên việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây khóm được ông tạo điều kiện để bà con tiếp cận.

Theo đó, ấp Thạnh Thắng thường xuyên phối hợp với UBND xã và ngành chức năng của thành phố vận động bà con tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham quan một số nơi về cách trồng khóm. Nhiều bà con còn đến tận nhà hỏi cách xử lý khóm nghịch mùa và được ông chỉ dẫn tận tình.

Thấy gia đình ông Thọ diện tích đất hơn mình chút đỉnh, nhưng trung bình 2 tháng thu hoạch khóm một lần, đặc biệt đều bán giá khá cao nên gia đình bà Phạm Thị Em đến học hỏi.

Đã 3 năm nay, gần 2ha khóm gia đình bà xử lý cho ra trái nghịch mùa với 4 đợt/năm và luôn bán được giá hơn so trước đây. Bà Em cho biết: “Cũng nhờ chú Thọ chỉ dẫn cách xử lý khóm theo ý muốn nên gia đình tôi mới rõ và làm theo, lãi đã nhiều hơn trước”.

Bên cạnh đó, xã Hỏa Tiến đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên ông thường xuyên đến các gia đình trong ấp vận động xây dựng và được người dân hưởng ứng.

Trở lại ý chí vượt khó của mình, ông Thọ thông tin thêm, hiện nay ông đang bước đầu thử nghiệm nấu rượu khóm đầu tiên ở địa phương và cho kết quả rất khả quan. Ông còn đang xây dựng du lịch sinh thái theo hình thức Homestay để bà con đến tham quan, vui chơi.

Ông Võ Văn Sang, Trưởng ấp Thạnh Thắng, cho biết, ấp này có gần 80 hộ đồng bào người Hoa, chú Thọ là một trong những người chí thú làm ăn, cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, lối sống giản dị, hòa đồng được nhiều người quý mến.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>