Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của An Giang tăng cao

03/04/2019 | 16:33 GMT+7

Các mặt hàng chủ lực của tỉnh như gạo, cá, rau quả... đều có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.

Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế xã hội quý I/2019 và triển khai công tác quý II/2019 do UBND tỉnh An Giang tổ chức chiều 2/4, ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang nhận định, trong quý I/2019, xuất khẩu hàng hóa của An Giang có dấu hiệu khởi sắc khi nhu cầu từ các thị trường trên thế giới tăng cao so với cùng kỳ 2018.

Chế biến hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Rau quả An Giang (Antesco). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của An Giang đạt 248,8 triệu USD, tăng 29,42% so cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 211,8 triệu USD, tăng 29,65% so cùng kỳ, đạt 23,8% so kế hoạch năm và tăng 11,47% so kế hoạch tăng trưởng năm 2019 của tỉnh.

Ông Đoàn Minh Triết cho biết thêm, trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của An Giang có tín hiệu khả quan nhờ nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Philippines, Malaysia... và thị trường mới Bangladesh tăng mạnh, ước xuất khẩu đạt 42,78 nghìn tấn, đạt 21,80 triệu USD. Hiện gạo của An Giang đã xuất qua 38 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường châu Á chiếm 84,67% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp.

Đối với thuỷ sản đông lạnh, nhất là cá tra, An Giang đã xuất qua 77 nước, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất khi chiếm 52,27%. Theo đó, An Giang xuất được 29.000 tấn thuỷ sản đông lạnh, đạt 69,60 triệu USD; tăng 8,09% về lượng và 8,08% về kim ngạch so với cùng kỳ 2018. Riêng về rau quả đông lạnh, tỉnh An Giang cũng đã xuất qua được 23 nước, trong đó có 11 nước châu Âu, với số lượng 2.100 tấn rau quả đông lạnh, đạt 3,5 triệu USD.

Mặc dù xuất khẩu của An Giang khởi sắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên dự báo trong thời gian tới xuất khẩu gạo của An Giang sẽ gặp khó ngay ở các thị trường truyền thống. Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, thời gian tới xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi gạo An Giang phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu gạo lớn đến từ Thái Lan, Ấn Độ và một số nước xuất khẩu gạo mới nổi như: Campuchia, Myanmar và Pakistan với những loại gạo đạt chất lượng vượt trội.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đã mở cửa xuất khẩu gạo cho Ấn Độ và cấp phép cho 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ vào Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc chỉ cấp phép cho 19 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Đặc biệt, hiện Trung Quốc cũng đã công khai muốn mở rộng thêm các nguồn nhập khẩu gạo mới từ Campuchia khi tăng hạn ngạch từ 300.000 tấn lên 400.000 tấn.

Bên cạnh đó, thị trường Philippines trong 3 tháng đầu năm 2019 là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của An Giang với 32.431 tấn, chiếm 45,45% trong tổng lượng gạo xuất trực tiếp của An Giang, nhưng thời gian tới thị trường này sẽ mở rộng nguồn cung cấp gạo từ Pakistan, Myanmar. Phía Indonesia cũng đã đưa ra tuyên bố lượng gạo dự trữ của nước này đủ dùng hết tháng 6/2019 và có thể sau tháng 7/2019 thị trường này mới có nhu cầu nhập khẩu gạo.

Mặc dù xuất khẩu gạo dự báo gặp khó, nhưng thị trường xuất khẩu thuỷ sản đông lạnh đặc biệt là cá tra của An Giang thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh về thị trường và kim ngạch xuất khẩu. Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, sở dĩ xuất khẩu cá tăng được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu tăng mạnh ở các nước châu Á, nhất là Trung Quốc đã dần thay thế EU và Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Và các sản phẩm cá tra đang được các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Nhật chấp nhận.

Tại thị trường EU, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực đầu năm 2019 đã giúp cá tra Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các loại thuỷ sản đánh bắt tại EU và các loại cá thịt trắng khác như cá rô phi đang không tạo được hình ảnh phù hợp với thị hiếu khách hàng ở thị trường này.

UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Công Thương tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, thị trường hàng hóa xuất khẩu và triển khai các đến doanh nghiệp, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khi thị trường có tín hiệu bất lợi đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh nhằm góp phần cải thiện tình hình sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông Bình cũng cho biết, thời gian tới tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng và duy trì thường xuyên các sự kiện xúc tiến thương mại biên giới; tiếp tục hỗ trợ các huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu... góp phần nâng chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh An Giang.

Theo Thanh Sang (TTXVN)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>