Cải thiện thu nhập từ nghề bán kem dạo

21/02/2019 | 10:19 GMT+7

Hình ảnh những người đàn ông, những người phụ nữ hàng ngày, vẫn đạp xe cọc cạch để mang kem đi bán khắp mọi nẻo đường dường như đã không còn xa lạ với nhiều người. Dù những đồng lời từ công việc bán kem không nhiều, nhưng ít ai biết rằng đó là nguồn thu nhập chính giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống. 

Hơn 20 năm gắn bó với nghề bán kem, ông Tuấn luôn cảm thấy vui, bởi những cây kem của mình làm ra luôn được nhiều khách hàng lựa chọn.

Những ngày tháng 2, cái nắng dường như cũng gay gắt hơn, nhưng cũng nhờ vậy, mà những người chuyên sống bằng nghề bán kem dạo thấy phấn khởi hơn bởi đây là lúc kem được nhiều người lựa chọn để giải khát. Tranh thủ đạp xe đi bán sớm, bà Bùi Thị Bé Tám, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Nhà không có ruộng vườn gì hết, con cái cũng lớn có gia đình riêng hết rồi, thấy ở nhà cũng không làm gì kiếm được thu nhập, nên người quen mới chỉ cho vợ chồng tôi làm kem để bán. Tính đến nay, vợ chồng tôi cũng đã gắn bó với nghề bán kem hơn 10 năm rồi, mỗi ngày trung bình hai vợ chồng cũng kiếm lời được từ 300.000-400.000 đồng”.

Thông thường, từ 8 giờ sáng đến 19 giờ tối mỗi ngày, bà Tám sẽ tranh thủ đạp xe kem đi bán từ chợ Cầu Móng đến chợ Vị Thủy và trở về. Có lẽ, rong ruổi suốt ngày trên khắp các nẻo đường, nên làn da của bà cũng trở nên rám nắng, mặn mà hơn những người phụ nữ bình thường. Tuy vất vả là vậy, nhưng nhìn những cây kem mát lạnh từ thùng kem của mình được nhiều khách hàng chọn thưởng thức, bà Tám cũng quên đi hết mọi mệt nhọc.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề bán kem dạo, ông Phạm Minh Tuấn, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cảm thấy phấn khởi hơn khi những cây kem được tự tay ông làm ra, hiện không chỉ được trẻ con, mà còn được nhiều người lớn ưa chuộng. Ông Tuấn nói: “Nếu lúc trước kem chỉ phục vụ trẻ con, thì ngày nay đây còn là món ăn giải khát cho nhiều người lớn nữa. Nhờ đó, nghề bán kem dạo của tôi mới được duy trì đến ngày nay. Do ở đây tôi chủ yếu bán quanh các tuyến đường lớn ở Vị Thanh, trường học, chợ, khu dân… nên trung bình mỗi ngày cũng kiếm lời được khoảng 200.000 đồng. Thông thường chiều đi bán về khoảng 18 giờ là tôi đã bắt đầu nạo dừa, nấu nước cốt dừa sẵn, rồi dậy sớm làm kem đến 9 sáng là bắt đầu đi bán đến chiều”.

Được biết, thông thường kem được làm từ nguyên liệu chính là dừa và sữa, cũng vì vậy, kem dạo luôn có vị ngọt, thanh, béo vừa phải, ăn rất mát lạnh. Để tăng thêm mùi vị khi bán cho khách hàng, người bán sẽ thêm sữa đặc và đậu phộng để cây kem thêm đậm đà. Ngoài tự làm kem, để tiết kiệm chi phí thông thường các miếng bánh đựng kem hình con sò, hình ốc quế cũng được làm tại nhà. Hiện tại, kem quế, kem que, bánh mì kem được bán với giá từ 3.000-5.000 đồng/cây tùy loại. Theo chia sẻ của nhiều người bán, do ngày nay, kem không chỉ được bán dạo, mà còn có thể dễ dàng mua được ở các siêu thị hoặc các cửa hàng, nên sức mua đã giảm hơn so với trước đây rất nhiều.

Còn đối với anh Nguyễn Quốc Thái, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cũng nhờ cái nghề bán kem hơn chục năm nay, đã giúp cho anh có thêm điều kiện để lo cho cả gia đình 4 người. Anh Thái cho biết: “Do hồi đó thấy trên địa bàn cũng có nhiều trường học, tôi mới nảy sinh ý định buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Rồi cũng nhờ người quen chỉ, nên tôi mới học được nghề làm kem và bán đến giờ. May cũng nhờ cái nghề bán kem dạo này, mà tôi cũng có điều kiện cho hai đứa con nhỏ được đến trường như bạn bè đồng trang lứa”.

Tiếng leng keng phát ra từ chiếc chuông cầm tay của những người bán kem, sẽ mãi trở nên thân thuộc, gần gũi với mỗi người chúng ta khi đã từng nếm qua mùi vị của những cây kem dạo. Dù còn nhiều vất vả khi chọn gắn bó với nghề, nhưng từ những đồng lời sau mỗi ngày bán kem dạo trở về, sẽ giúp nhiều người quên đi mệt nhọc, khi nhìn thấy gia đình mình có được cuộc sống trọn vẹn hơn. 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>