Cái tình của một doanh nghiệp

17/01/2019 | 09:28 GMT+7

Hỗ trợ dạy nghề, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, là việc làm đầy ý nghĩa đã được doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, ở khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, thực hiện trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Hậu (bìa phải), chủ doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, hướng dẫn cách làm sản phẩm mới cho bà con.

Giúp bà con ổn định cuộc sống

Xuất thân là bộ đội xuất ngũ năm 2011, với đam mê được học nghề, ông Nguyễn Văn Hậu, chủ doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt đã mạnh dạn tìm lên tận Sài Gòn, Bình Dương để học nghề dành cho lao động nông thôn. Xác định nghề đan bàn, ghế là công việc có thể giúp hộ nghèo, hộ khó khăn cải thiện cuộc sống, nên khi thành thạo nghề, ông đã liên kết với các công ty để nhận mẫu các sản phẩm về gia công tại nhà. Từ một tổ hợp tác nhỏ, với vài chục lao động gia công sản phẩm, đến nay, ông đã chuyển đổi thành một doanh nghiệp lớn chuyên gia công các sản phẩm bàn, ghế xuất khẩu. Ông Hậu chia sẻ: “Đối tượng mà chúng tôi hướng đến giải quyết việc làm chủ yếu là lao động nông thôn, đặc biệt các cô chú trong độ tuổi không còn được các công ty nhận vào. Cũng từng nghèo khổ như mọi người, nên tôi luôn mong muốn mình có thể giúp đỡ phần nào để bà con ổn định cuộc sống. Ban đầu, tôi chỉ tập trung giải quyết việc làm cho bà con ở xã Tân Thành và xã Đại Thành của thị xã Ngã Bảy, còn hiện nay đã nhân rộng được thêm ở xã Phương Bình của huyện Phụng Hiệp”.

Những ngày đầu năm mới này, có dịp ghé qua các xưởng gia công của doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, đang đặt ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, mới thấy hết không khí tất bật của bà con lao động nơi đây. Đang nhanh tay làm mẫu ghế mới để kiếm thêm thu nhập ăn tết, chị Đỗ Thị Diễm Thúy, 36 tuổi, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, nói: “Tôi đan bàn, ghế cho doanh nghiệp Thành Đạt khoảng 8 tháng nay thôi, so với các nghề khác đã được học, thì đan cái này nhẹ hơn, thu nhập cũng khá hơn rất nhiều. Do ở nhà có 2 đứa con nhỏ đang đi học, với lại cha mẹ già cũng cần có người chăm sóc, nên tôi đâu có đi làm công ty gì được. Bởi vậy, khi nghe có dạy đan bàn, ghế tôi cũng xin học rồi nhận sản phẩm về nhà làm cho tiện hơn”. Hiện trung bình mỗi ngày, từ công việc đan bàn, ghế cũng giúp chị Thúy kiếm được thu nhập từ 80.000 đến hơn 100.000 đồng. Trước đây, chị Thúy cũng từng học đan lục bình, nhưng do sản phẩm từ lục bình đan ra cho thu nhập không cao, nên chị Thúy đã xin học thêm đan bàn, ghế.

Không chỉ tạo việc làm cho lao động nông thôn là nữ, mà cũng nhờ công việc đan bàn, ghế đã giúp cho những người khuyết tật như ông Bùi Phước Bửu, 56 tuổi, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, có nguồn thu nhập ổn định. Ông Bửu tâm sự: “Đan bàn, ghế này học cũng dễ, khoảng 2 ngày là biết đan sản phẩm rồi. Đan cái này chủ yếu là đan dây nhựa, dây dù tròn theo khung sắt có sẵn, nên không khó, tuy nhiên đòi hỏi phải tỉ mỉ và kiên nhẫn mới cho ra sản phẩm đẹp được. Do tôi bị khuyết tật ở chân, lại sống một mình, trước giờ chủ yếu chỉ đi làm nhạc lễ cuộc sống cũng bấp bênh lắm. Rồi khoảng 3 tháng nay, từ khi học và biết đan bàn, ghế cũng giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn”. Tuy nhiên, là hộ cận nghèo, nhưng ông Bửu luôn không ngừng nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Theo đó, sau những giờ học làm sản phẩm mới từ xưởng, khi đã thành thạo cách đan, ông Bửu sẽ nhận sản phẩm về làm tại nhà. Trung bình hiện ông thu nhập từ 100.000-120.000 đồng/ngày, tùy theo các sản phẩm bàn, ghế lớn nhỏ khác nhau.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm

Cũng nhờ cái nghề đan bàn, ghế cho doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, đã giúp cho nhiều gia đình ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, có cuộc sống khấm khá hơn. Bà Nguyễn Thị Tám, 51 tuổi, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Hồi đó, thấy bà con quanh đây học đan bàn, ghế tôi cũng xin học theo và làm đến nay cũng hơn 3 năm rồi. Dù các sản phẩm này mẫu mã đa dạng, nhưng rất dễ làm, thu nhập cũng khá cao, nên không chỉ mình tôi, mà cả gia đình giờ ai cũng biết đan. Có hôm cả gia đình tôi tập trung làm, một ngày cũng kiếm được 400.000-500.000 đồng là chuyện bình thường”. Không chỉ chọn gắn bó với nghề, mà hiện gia đình bà Tám còn mạnh dạn đầu tư thêm một số máy móc để cho ra sản phẩm được đẹp hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt đã giải quyết việc làm được cho khoảng 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tùy theo các mẫu sản phẩm, từ công việc đan bàn, ghế người lao động có thể kiếm được trung bình từ 40.000-120.000 đồng/ngày. Ông Hậu, chủ doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, cho biết: “Do sản phẩm chúng tôi làm rất đa dạng, hiện tại doanh nghiệp có 25 mẫu bàn, ghế khác nhau, vì vậy lúc đầu chúng tôi chỉ dạy 3 mẫu thôi. Khi đã biết đan, đến những mẫu mới chúng tôi sẽ trực tiếp xuống hướng dẫn bà con. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát thêm một số địa bàn ở các xã, thị trấn nữa để giúp cho một số bà con ở vùng nông thôn được tiếp cận với nghề đan này. Nhằm giúp họ có được cái nghề và thu nhập ổn định luôn”. Không chỉ hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh, hiện doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt còn góp phần tạo việc làm cho lao động ở các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau.

Tin rằng, với tấm lòng cùng giúp cho những hộ nghèo, gia đình khó khăn có điều kiện được vươn lên từ sức lao động của mình, nghề đan bàn, ghế của doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt sẽ được nhân rộng hơn nữa đến các địa phương thuộc vùng nông thôn sâu. Để qua đây, góp phần cùng tỉnh từng bước kéo giảm hộ nghèo ở các địa phương hàng năm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>