Cuộc sống ổn định nhờ học nghề

18/02/2020 | 19:44 GMT+7

Nhờ học nghề, được giới thiệu vào làm ở các công ty, doanh nghiệp, hoặc được bao tiêu sản phẩm, đã giúp nhiều người cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, đây còn được xem là chìa khóa giúp thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo ở các địa phương.

Học nghề xong, người lao động còn được tạo điều kiện, hỗ trợ tìm việc làm.

Tạo việc làm cho người học

Được học nghề may công nghiệp rồi được công ty nhận vào làm, chị Võ Thị Phấn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. Trước đây, chị Phấn chỉ ở nhà lo nội trợ, khi biết thông tin có lớp đào tạo nghề liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm, chị đã đăng ký học. Sau 30 ngày thực học, chị Phấn đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề may công nghiệp và được Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang nhận vào làm. Chị Phấn chia sẻ: “Nhờ có công việc này mà tôi có thêm thu nhập. Tôi mới làm được 3 tháng, mỗi tháng cũng kiếm được trên 3,2 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”, chị Phấn cho biết.

Còn chị Lê Thị Tuyền, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, có cuộc sống ổn định nhờ tìm được công việc ở gần nhà. Hiện nay, chị Tuyền làm tại Công ty TNHH May mặc Phương Thảo (đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện), lương mỗi tháng cũng được gần 6 triệu đồng. Chị Tuyền chia sẻ: “Việc địa phương liên kết với các công ty, doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề khiến người lao động chúng tôi vui mừng lắm. Vui vì sau khi học nghề xong sẽ được công ty nhận vào làm, đồng thời, được làm việc gần nhà, chúng tôi có thời gian để chăm sóc gia đình, cũng như tiết giảm được chi phí ăn, ở nếu như đi làm ở ngoài tỉnh”. Lúc trước, chị Tuyền đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, song do làm xa nhà, chi phí đắt đỏ, tính ra mỗi tháng cũng không dư được bao nhiêu. Vì vậy, chị xin nghỉ.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là hướng đi đúng đắn được tỉnh thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, người lao động tìm được việc làm sau học nghề, còn doanh nghiệp tìm được nguồn lao động có chất lượng, có tay nghề, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu

Để đào tạo nghề phát huy hiệu quả, các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tăng cường khảo sát, cập nhật thông tin về cung - cầu lao động, điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đây, có giải pháp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm đều dựa trên nguyện vọng của người học nghề và nhu cầu của doanh nghiệp. Trong công tác giảng dạy, không chỉ dạy cho người lao động có nghề, mà mục tiêu lớn nhất là gắn với giải quyết việc làm hiệu quả.

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, huyện Phụng Hiệp xem công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo căn cơ, hiệu quả. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, trong quá trình triển khai công tác dạy nghề, phòng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động sát với nhu cầu thực tiễn, để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu và tổ chức dạy nghề đúng đối tượng. Công tác đào tạo nghề được chú trọng đồng bộ từ khâu vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích và chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, để đào tạo nghề theo địa chỉ. “Trong quá trình đi khảo sát, vận động học nghề, chúng tôi sẽ giới thiệu những nghề thực tế xã hội đang cần để đảm bảo đầu ra sản phẩm, cũng như việc làm cho người học”, bà Trúc cho biết. Hiện nay, các xã, thị trấn đang khảo sát, nắm nhu cầu học nghề của người dân trong năm 2020, để đăng ký về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực tế cho thấy, thông qua các lớp dạy nghề, nhiều lao động nông thôn đã có điều kiện tìm được việc làm. Từ đó, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo…

Năm 2019, có 17.950 lao động trên địa bàn tỉnh được tạo và giải quyết việc làm mới, đạt 119,6% kế hoạch, 9.450 lao động được đào tạo nghề, đạt 145,4% kế hoạch. Năm 2020, chỉ tiêu tạo và giải quyết việc làm mới của tỉnh là 15.000 lao động và đào tạo nghề cho 6.500 lao động.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>