Đào tạo nghề theo địa chỉ

07/05/2019 | 07:51 GMT+7

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân để đào tạo nghề theo yêu cầu. Từ đó, người lao động đã nhận được nhiều lợi ích thiết thực.

Nhờ đào tạo nghề theo địa chỉ mà nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở nông thôn đã có được việc làm, thu nhập ổn định.

Năm 2018 là một trong những năm huyện thực hiện thành công mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo địa chỉ. Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, huyện đã tổ chức 35 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với tổng số 875 học viên tham dự, trong đó có 20 lớp học nghề phi nông nghiệp. Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp Nguyễn Văn Tính cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh là hướng đến mục tiêu lao động học nghề phải gắn với việc làm hoặc có việc làm mới. Vì vậy, trước khi tổ chức lớp, huyện đã rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch trên địa bàn các xã. Để việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã liên kết với công ty, doanh nghiệp, cơ sở tư nhân để cùng tổ chức vừa dạy nghề, vừa thực hành giúp học viên nâng cao tay nghề, quen với môi trường làm việc”.

Thu hút đông đảo học viên tham gia là lớp đào tạo nghề may mặc cho các công ty, cơ sở may trên địa bàn. Phần lớn học viên tham gia lớp học đều là phụ nữ nhàn rỗi nhưng không có điều kiện đi làm ăn xa do phải chăm con nhỏ. Sau thời gian lo cơm nước, đưa đón con đi học thì các chị thường đi làm thuê theo mùa vụ, không có thu nhập ổn định. Khi đến với khóa đào tạo nghề này, các học viên không chỉ có nguồn thu nhập mà còn có thể vẹn toàn việc gia đình.

Với kiến thức được học và thực hành tại chỗ trong 10 ngày, chị Nguyễn Thị Thúy, ở ấp Tân Hưng, xã Tân Phước Hưng, đã có được thu nhập tại cơ sở dạy nghề. Chị Thúy nhớ lại: “Lúc chưa tham gia lớp may này, tôi chỉ kiếm tiền khi được người ta thuê làm cỏ, đánh lá mía, thu nhập thì bấp bênh mà còn phải làm ngoài nắng. Còn bây giờ, vào lớp nghề thì công việc ổn định hơn. Chồng tôi cũng mừng vì tôi làm việc trong nhà mát mẻ, có thời gian rảnh đón con mà luôn có nguồn thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng/tháng”.

Để người lao động cải thiện cuộc sống chính là nhờ thành quả của sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng và doanh nghiệp. Sợi dây liên kết này không những đem lại thành công mà còn nguồn lợi từ hai phía. Ông Nguyễn Văn Đợi, chủ cơ sở may gia công ở xã Tân Phước Hưng, chia sẻ: “Tôi là người làm công cho công ty may ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm qua. Bây giờ khi quay về lập nghiệp tại địa phương đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đặc biệt là ngành lao động - thương binh và xã hội. Các cán bộ đã hỗ trợ tôi trong đăng tuyển người lao động, tổ chức mở lớp, đào tạo nghề để tôi có thể gắn bó và phát triển cơ sở may hơn một năm qua”.

 Bên cạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp thì ngành nghề nông nghiệp cũng được huyện quan tâm mở 15 lớp học với các ngành nghề trồng cây có múi, chăn nuôi heo, nuôi lươn, nuôi thủy sản… Mới đây, huyện cũng hợp tác với các nhà khoa học từ Trường Đại học Cần Thơ mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây cam xoàn theo chuẩn VietGAP và thực hành thử nghiệm xử lý ra hoa nghịch vụ… Qua các lớp học, nhà vườn đã nâng cao kỹ năng và thực hành tốt hơn trên vườn cây, thậm chí nhiều nhà vườn còn mạnh dạn xóa diện tích mía kém hiệu quả lập vườn cây có múi để cải thiện thu nhập.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp năm 2019 đạt hiệu quả hơn nữa, huyện đã và đang tập trung đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; đào tạo gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Theo chỉ tiêu đề ra của năm nay, huyện sẽ mở thêm 24 lớp đào tạo nghề cho 600 học viên có nhu cầu học các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng đào tạo và nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho nông dân để đáp ứng nhu cầu của tỉnh bạn Gangjin (Hàn Quốc) về việc hỗ trợ xuất khẩu lao động ngành nông nghiệp.

 Ông Nguyễn Văn Tính cho biết thêm: Huyện sẽ vẫn thực hiện theo phương châm đào tạo phải gắn với địa chỉ. Đó là đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề hiệu quả; phối hợp các doanh nghiệp ký kết kế hoạch tuyển dụng gắn với đào tạo nghề và sử dụng lao động của doanh nghiệp để giúp người lao động có việc làm ổn định sau học nghề.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích