Độc đáo lò rèn di động

12/04/2017 | 08:44 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều nghề thủ công như mài dao, kéo, nghề rèn... thật khó kiếm ra tiền, bởi không thể cạnh tranh nổi với hàng thủ công mỹ nghệ và đã có không ít người phải chuyển hoặc bỏ nghề, nhưng với anh Nguyễn Hoàng Thiện (Năm Thiện), ngụ ấp Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, vẫn bám trụ với nghề rèn.

Anh Thiện cùng vợ đang chui đàn dao cũ cho bà con trên xe di động.

“Lò rèn di động Năm Thiện đây, bà con có ai rèn mới dao búa, chui đàn dao, búa cũ, mài dao, mài kéo hông...”. Âm thanh nghe “khèn khẹt” quen thuộc này phát ra từ cái loa cũ nát của anh Năm Thiện, không chỉ quen thuộc với bà con phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ mà còn của nhiều người dân lân cận. Mọi người vội gom dao, búa cũ để ven đường, chờ vợ chồng Năm Thiện đến rèn.

Thời hoàng kim nghề rèn

Với chiếc xe ba gác tự chế và bộ dụng cụ đồ nghề đe búa, lò, quạt, đều đặn mỗi ngày, từ tờ mờ sáng là anh Năm Thiện cùng vợ là chị Nguyễn Thị Bé đã lo xong phần cơm nước chuẩn bị “khăn gói” lên đường. Nhờ hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, nên anh Năm Thiện di chuyển làm nghề rất dễ dàng ở khắp các nẻo đường. Nếu như hôm nay vợ chồng anh đi giáp các con đường làng địa bàn thị xã Long Mỹ, thì hôm sau anh sang địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp…

Làm xong con dao cũ cho chị Hạnh ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ thì cũng là lúc trời đã ngả bóng về chiều, dừng tay uống xong ngụm nước, anh Thiện kể cho tôi nghe chuyện nghề làm thợ rèn của mình. Hơn 30 năm qua, anh Năm Thiện đã chứng kiến biết bao thay đổi của nghề thủ công rèn sắt, lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, Năm Thiện kể, mới hơn 10 tuổi thì ba tôi đã truyền đạt hết kinh nghiệm nghề rèn. Năm lên 16 tuổi, Năm Thiện đã “tốt nghiệp” lên thợ, ngồi lò nướng sắt, cầm búa thợ, hồi đó cái xứ kênh 4 Thước này, lò rèn cũng nhiều, nhưng chỉ có lò rèn của ba anh “lò rèn Út Bé” là đông khách nhất. Đây cũng là thời “hoàng kim” của nghề rèn, anh Năm Thiện cho biết vào những năm 1990, lò rèn của ba anh, mỗi năm có thể cho ra lò hàng chục ngàn cái lưỡi hái cắt lúa, hàng trăm cái lưỡi cày trâu, lưỡi cuốc, lưỡi leng và hàng ngàn ngọn phảng, còn dao búa thì ôi thôi không sao nhớ nổi. Nhà có đến 9-10 miệng ăn mà không cục đất cắm dùi, vậy mà năm nào cũng doi dư vài trăm giạ lúa, nhờ rèn được nhiều dao, phảng bán lúa mùa.

Nghề rèn vắng bóng

Những năm gần đây, nền công nghiệp phát triển, trên thị trường bày bán đầy ắp những sản phẩm dao kéo, búa rìu sản xuất bằng dây chuyền công nghệ tự động hiện đại. Người tiêu dùng ít khi còn mặn mà với sản phẩm dao, kéo, búa, kềm… làm ra bằng nghề thủ công lò rèn như thuở xa xưa. Hình ảnh người nông dân con trâu đi trước, cây cày đi sau, cũng không còn. Thay vào đó là máy cày, máy xới, máy cắt gặt đập liên hợp có ai rèn chi những thứ nông cụ leng, phảng, lưỡi hái làm gì. Nghề thủ công của anh Năm Thiện có nguy cơ bị “xóa sổ” vì đầu ra sản phẩm bị thu hẹp, người làm nghề rèn không còn ai mặn mà đeo đuổi. Bây giờ, người làm thợ rèn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay và phải là người có uy tín, tay nghề cao, sản phẩm làm ra phải đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng, nếu không thì cũng bỏ nghề tìm việc khác mà làm. 

Xếp gọn lại mớ đồ nghề, Năm Thiện nói như than: Nghề nào nghiệp nấy, với tôi ngày nào lò rèn còn đỏ lửa là vui, cho dù rong ruổi cả ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng tiền công cũng phải làm để còn có tiền nuôi được vợ con. Mình giờ đã già rồi muốn đổi nghề cũng không được, dẫu biết rằng những thứ dao, búa mình làm ra bằng thủ công, không thể cạnh tranh được với hàng công nghiệp,  nhưng cũng cố bám lấy nghề.

Xe tôi xa dần cái lò rèn di động của vợ chồng Năm Thiện, phía sau lưng tôi còn vang tiếng búa đập “chát cụp, chát cụp”. Đây cũng là âm thanh quen thuộc, mà bà con ở vùng xa xôi hẻo lánh này, ai cũng nghe thấy suốt nhiều năm qua. Trong tôi lại thấy đượm buồn khi liên tưởng đến ngày nào đó, âm thanh quen thuộc này sẽ vĩnh viễn không còn.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>