Dưa lục bình: Lạ mà quen

11/02/2019 | 05:46 GMT+7

Lục bình ngoài việc được dùng để đan đát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giờ đây, dưới sự biến tấu từ bàn tay khéo léo của những phụ nữ vùng quê, đã cho ra đời món dưa lục bình ngon, lạ, mang dư vị rất riêng.

Nhờ món dưa lục bình mà nhiều người dân quê có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Đã tròn 1 năm, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bắt đầu gắn bó với nghề làm dưa lục bình. Tình cờ một lần được người quen chiêu đãi món gỏi lục bình, với sự chủ động, bà Nga đã mày mò, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có do thiên nhiên ban tặng để làm ra món dưa lục bình lạ miệng. Ban đầu, bà chỉ làm thử vài keo để ăn, dần dần sản phẩm được sự ưa chuộng, tin dùng của nhiều người, hiện mang về nguồn thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng cho gia đình.

Dù vậy, để có được món dưa lục bình thơm, giòn, ngon không hề đơn giản, vất vả nhất là khâu chọn nguyên liệu. Ngó hay được người dân quen gọi là cọng lạp xưởng (nối giữa hai nhánh lục bình) - nguyên liệu chính làm dưa. Dưới cái nắng chói chang, bà Nga phải oằn mình kéo từng đám lục bình đang trôi theo dòng nước, rồi nhanh tay lựa chọn những ngó to, đẹp, đúng chuẩn non mướt. Bàn tay hằn lên những vết mủ, vết thương đã phần nào nói lên được sự vất vả ấy. Nhưng bà Nga vẫn thấy vui vì điều mình làm, vừa là đam mê và còn góp phần cải thiện cuộc sống.

Bà Nga bộc bạch: “Tôi luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, để tạo thương hiệu, may mắn nhận được sự tin yêu, sử dụng từ mọi người. Tôi định sẽ đem sản phẩm ra bán ở một số điểm chợ như Vị Thủy, Hòa Mỹ để mở rộng phạm vi tiêu thụ”. Bà Nga thường làm lục bình với con dâu và cháu nội đang học lớp 3. Mỗi người một khâu có vẻ khá thuần thục, nên bình quân mỗi ngày cho ra hơn 10kg dưa lục bình. Có thể thấy, việc làm dưa lục bình phù hợp mọi giới tính, lứa tuổi, đặc biệt là lao động nhàn rỗi tại nông thôn.

Thời gian gần đây, đặc biệt là dịp tết, dưa lục bình rất hút hàng nhưng những người bán đều giữ mức giá cũ 40.000 đồng/kg. Chị Hồ Thị Đến, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết: “Nhờ địa phương quan tâm và tạo điều kiện, nên sản phẩm thường được trưng bày trong các dịp lễ, hội nghị của xã, giúp nhiều người biết đến. Tôi và mẹ ở nhà làm không ngơi tay, vừa cắt lục bình cọng bán, vừa lấy ngó làm dưa nên cũng tiện. Hơi vất vả, nhưng tôi lấy công làm lời, quan trọng là muốn đưa nguyên liệu sẵn có trở thành một món ăn đặc trưng vùng quê”.

Còn bà Bùi Thị Kim Đảnh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, hàng ngày, ngoài công việc chạy đò, vẫn tranh thủ thời gian kiếm thêm thu nhập từ việc hái ngó làm dưa. Bà Đảnh nói: “Mỗi ngày tôi bán trên 5kg dưa lục bình, đảm bảo chi phí trang trải cuộc sống. Chúng tôi luôn tuân thủ giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, lục bình cắt lên được làm liền nên còn giữ được độ tươi. Dưa lục bình được xem như một loại rau sạch từ thiên nhiên nên người tiêu dùng luôn yên tâm và lựa chọn sử dụng. Vào dịp tết nhà nào cũng đặt vài ba ký để ăn, có ngày tôi bán được cả triệu đồng”.

Ngó lục bình sau khi hái về được rửa sạch, bào vỏ, cắt thành từng đoạn ngắn, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau đó, xả lại với nước cho thật sạch, đem để ráo. Muối, giấm, đường được pha với lượng vừa đủ, đun sôi để nguội rồi ngâm chung với ngó lục bình làm sạch, thêm chút ớt và tỏi để hương vị đậm đà hơn. Vị ngọt, chua, cay hòa quyện đã tạo nên một mùi vị, nét riêng khó lẫn vào đâu. Dưa lục bình cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng lâu, thời gian tốt nhất từ 30 đến 60 ngày.

Theo thông tin từ các hộ làm dưa lục bình, hiện sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là trong cán bộ, công chức, đám tiệc tại địa phương, người mua dùng làm quà biếu,… Chính những yếu tố đó đã giúp dưa lục bình đi đến nhiều tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí sang tận Đài Loan, Hàn Quốc,…

Từ những ngó lục bình tưởng chừng bị bỏ quên, đã có thêm một món dưa lục bình thơm, ngon và quá đỗi quen thuộc với nhiều người bởi sự gần gũi, hương vị đậm chất quê. Dưa lục bình ăn rất ngọt khi trong đó chứa đựng tình đất, tình người, nặng hạt phù sa của một vùng quê. Ăn dưa lục bình sẽ khiến nhiều người xa quê bỗng hoài niệm về những kỷ niệm đẹp của thời tuổi trẻ. Rồi xa hơn, làm dưa lục bình đã trở thành một phương kế sinh nhai của nhiều lao động nông thôn. Những người dân quê đang dùng bàn tay, khối óc làm ra những sản phẩm đặc trưng, tự tạo việc làm để cải thiện cuộc sống. Điều họ mong muốn duy nhất, là sản phẩm có đầu ra ổn định, chỗ đứng trên thị trường. Hy vọng rằng, với tâm huyết của những người dân quê, trong tương lai món dưa lục bình sẽ còn vươn xa hơn, mang theo nét đẹp dân dã nhưng bình dị, đời thường. Mùi dưa lục bình chắc chắn sẽ làm hài lòng và níu giữ khách phương xa.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>