Gỡ khó trong công tác đào tạo nghề

14/03/2019 | 08:44 GMT+7

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những việc làm cụ thể giúp từng bước kéo giảm hộ nghèo. Tuy nhiên, thời gian qua ở một số địa phương gặp khó khi thiếu trang thiết bị, thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... để phục vụ cho công tác dạy nghề.

Dù thiếu thiết bị, giáo viên dạy nghề, nhưng thời gian qua Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ đã mở được một số nghề phù hợp với nhu cầu địa phương.

Những ngày này, có dịp ghé thăm lại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thị xã Ngã Bảy, một trong hai trung tâm trên địa bàn tỉnh, được bổ sung chức năng dạy nghề để trở thành Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh. Là đơn vị cuối cùng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT hướng dẫn sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm GDNN-GDTX. Trở thành Trung tâm GDNN-GDTX từ giữa năm 2017, nhưng sau thời gian hoạt động đến nay, trung tâm vẫn chưa thực hiện được chức năng dạy nghề cho địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc trung tâm, nói: “Do địa bàn trước đây chỉ có trung tâm GDTX, không có trung tâm dạy nghề, nên khi được chuyển đổi thành trung tâm GDNN-GDTX chúng tôi hoàn toàn không có trang thiết bị, giáo viên hoặc cơ sở vật chất để phục vụ dạy nghề như các trung tâm khác. Dù khó khăn là vậy, nhưng để thực hiện chức năng dạy nghề cho lao động ở địa phương, hiện chúng tôi cũng đã khảo sát nhu cầu lao động và làm thủ tục xin mở một số nghề địa phương cần. Theo đó, khi các nghề này được mở chúng tôi sẽ mời giáo viên, thuê mướn trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu giảng dạy”. Qua tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, hiện Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy đang làm thủ tục để mở các nghề như hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, làm tóc… Theo đó, các nghề này đều đã được trung tâm chủ động tìm đầu ra cho người lao động sau khi học nghề.

Thời gian qua trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, do người ngoài độ tuổi lao động trên địa bàn chiếm khá cao, vì vậy, địa phương chủ yếu chỉ mở các lớp nghề đan dây nhựa để dạy cho lao động nông thôn. Đối với nghề đan dây nhựa, lao động sẽ được học và nhận sản phẩm về làm tại nhà, nên có rất nhiều phụ nữ ngoài độ tuổi lao động trên địa bàn có nhu cầu học. Được biết, năm 2019, trên địa bàn thị xã Ngã Bảy được giao chỉ tiêu mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, có 4 lớp nông nghiệp, 6 lớp phi nông nghiệp. Bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Để đa dạng nghề đào tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đối với các lớp nghề phi nông nghiệp năm nay chúng tôi sẽ tập trung mở các lớp nghề như: kỹ thuật xây dựng, nấu ăn, pha chế để hướng tới phục vụ cho sự phát triển trở lại của chợ nổi Ngã Bảy”.

Cũng là đơn vị được bổ sung chức năng dạy nghề, dù hoàn toàn không có trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng thời gian qua Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ đã có nhiều chủ động để thực hiện công tác dạy nghề. Nhờ đó, trong năm qua trung tâm đã mở được 11 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, có 7 lớp phi nông nghiệp và 4 lớp nông nghiệp, vượt hơn so với kế hoạch đề ra của địa phương. Ông Phan Văn Tấn, Giám đốc trung tâm, tâm sự: “Đối với công tác dạy nghề, thời gian qua chúng tôi cũng đã xin mở được một số nghề địa phương có nhu cầu như: may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, đan dây nhựa, trồng cây có múi, chăn nuôi, trồng nấm rơm trên giàn… Với các nghề này, để thực hiện giảng dạy, trung tâm phải mời các giáo viên bên ngoài, những nghề cần trang thiết bị thì chúng tôi sẽ liên hệ với các trung tâm bạn để mượn. Nhờ vậy, năm vừa rồi trung tâm không còn phải nhờ các trung tâm bạn đào tạo giùm nữa”.

Tính đến cuối năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ đã đào nghề được cho 275 lao động. Trong đó, có 175 lao động học các nghề phi nông nghiệp, có việc làm sau khi học nghề là 150 người, còn 100 lao động theo học các nghề nông nghiệp đều làm việc tại nhà, một số hộ nhờ biết áp dụng kỹ thuật đã học vào trong sản xuất tạo được thu nhập rất ổn định. Ông Nguyễn Văn Chì, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Long Mỹ, cho biết: “Dù còn khó khăn, nhưng năm qua Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Long Mỹ đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho địa phương. Ngoài chủ động mượn trang thiết bị, trung tâm còn tìm hiểu nhu cầu lao động, tìm kiếm doanh nghiệp để mở được các nghề tạo việc làm ổn định cho người dân. Mong rằng, trong năm 2019 này, trung tâm sẽ chủ động hơn nữa để không chỉ hoàn thành chỉ tiêu mở 18 lớp đào tạo nghề, mà còn tìm được đầu ra ổn định cho lao động địa phương sau khi học nghề”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>