Học nghề xong phải có việc làm

28/08/2017 | 08:05 GMT+7

Sau khi học nghề, phần lớn lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Ngã Bảy đã tìm được việc làm, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Nhờ đan dây nhựa, mỗi tháng chị Hồng Cẩm (phải) có thêm thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Phía trước nhà, chị Nguyễn Hồng Cẩm, ở xã Hiệp Lợi, đang ngồi đan dây nhựa, đôi tay chị thoăn thoắt luồn từng sợi dây nhựa vào nhau, chẳng mấy chốc chiếc sọt hình thành. Đưa chiếc sọt lên ngắm nhìn, chị Hồng Cẩm chia sẻ: “Nhờ địa phương mở lớp dạy nghề đan dây nhựa nên tôi cùng với mấy chị em ở xóm có thêm công việc phụ để làm lúc nhàn rỗi”. Tuy nói là công việc phụ, nhưng theo chị Hồng Cẩm nghề này cũng có nhiều cái hay. Nguyên liệu do doanh nghiệp cung cấp quanh năm. Doanh nghiệp cũng đứng ra thu nhận sản phẩm, nên người lao động không sợ tình trạng hàng hóa tồn đọng, không bán được. Thứ ba, người lao động có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm thêm. “Bình quân mỗi tháng cũng kiếm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng từ công việc đan dây nhựa. Từ khoản thu nhập này đã giúp tôi trang trải chi phí học tập cho hai đứa con, gia đình cũng nhẹ lo”, chị Hồng Cẩm nói.

Cách nhà chị Hồng Cẩm không xa, chị Trang Kim Bôi, cũng tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đan dây nhựa, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Được biết, ban ngày thì chị chăm sóc rẫy hoa màu, chiều tối sau khi cơm nước xong chị đan dây nhựa đến khoảng 20, 21 giờ thì ngủ. Tuy chỉ làm vào ban đêm nhưng mỗi tháng chị cũng kiếm được từ vài trăm đến hơn triệu đồng. Chị Kim Bôi bộc bạch: “Mình ở vùng nông thôn, có được đồng nào mừng đồng nấy. Với lại, nguyên liệu được doanh nghiệp đem đến tận nhà rồi cũng đến thu mua luôn, chúng tôi yên tâm gắn bó với nghề”.

Chị Hồng Cẩm, chị Kim Bôi là 2 trong số 175 lao động được đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo địa chỉ. Từ đầu năm đến nay, thị xã Ngã Bảy đã phối hợp với một số cơ quan liên quan mở 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Bảy, những lớp nghề được mở đều dựa trên nhu cầu của người dân và xã hội, đặc biệt có gắn địa chỉ sử dụng.

Năm nay, thị xã Ngã Bảy đã liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt, ở phường Lái Hiếu, để bao tiêu sản phẩm đan dây nhựa. Sau khi học nghề, sản phẩm của người lao động được doanh nghiệp bao tiêu. “Hiện nay, chúng tôi đã ký hợp đồng với 3 công ty ở tỉnh Đồng Nai. Cứ 4, 5 ngày thì chúng tôi xuất hàng 1 lần, bình quân trên 1.000 sản phẩm các loại. Do đó, tất cả sản phẩm của người dân đều được chúng tôi thu mua. Mỗi sản phẩm gia công có giá từ 5.000 đồng trở lên, bình quân mỗi người cũng có thể kiếm được từ 1 đến trên 3 triệu đồng từ công việc này”, ông Nguyễn Văn Hậu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt thông tin.

Năm 2017, thị xã Ngã Bảy chỉ mở những lớp nghề khi xác định được cơ hội việc làm, đảm bảo đầu ra lâu dài. Khi đó, không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp doanh nghiệp tuyển chọn được lao động có tay nghề, gia tăng năng suất công việc. Tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề trên địa bàn thị xã có việc làm chiếm khoảng 70%, còn 30% còn lại do theo gia đình đi làm ăn xa hoặc đi làm ở các công ty, xí nghiệp…

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về dạy nghề đến với người dân, thị xã Ngã Bảy đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề theo địa chỉ. Cách làm này không chỉ thu hút được người lao động tham gia học nghề, mà còn giải quyết vấn đề việc làm, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Bảy, cho biết thêm: “Thị xã sẽ tiếp tục tập trung một số giải pháp như tiếp tục khảo sát, điều tra nhu cầu việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó, có kế hoạch đào tạo phù hợp. Song song đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đào tạo nghề, đồng thời, chú trọng công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề...”.

Năm 2017, thị xã Ngã Bảy được phê duyệt 15 lớp nghề phi nông nghiệp, gồm 1 lớp kỹ thuật nấu ăn, 1 lớp may công nghiệp, 2 lớp kỹ thuật xây dựng, 11 lớp đan dây nhựa. Đến nay, đã khai giảng được 7 lớp, với 175 học viên theo học.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>