Hơn 40 năm làm nghề “đâm hà bá”

27/03/2019 | 09:29 GMT+7

Người đàn ông tật nguyền tên Hồ Văn Tân, đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề “đâm hà bá”, vất vả, lặng lẽ mưu sinh bằng chính nghị lực bản thân mình.

Ông Tân xếp lại đường ống dẫn khí, dụng cụ quan trọng trong lúc lặn.

Về khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, hỏi thăm ông Tân, người chuyên lặn thuê, vớt hàng hóa từ ghe, xuồng bị chìm thì ai cũng biết. Bởi hình ảnh người đàn ông với làn da đem sạm, cởi trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, đội nón sờn vành gần 60 tuổi, bị tật bên chân phải, sống trên ghe tam bản nhỏ, đêm đêm cắm sào trên dòng sông Ngã Bảy, đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Ông Ngô Thanh Tuấn, người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi ai cũng quý mến chú Tân, dù không biết chữ nhưng ăn ở hiền hòa và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Trời tối, mưa gió, hễ có người cần vớt hàng hóa hay bị chìm ghe là chú Tân sẵn sàng ứng cứu mà không cần trả ơn”.

Do trải qua cơn bạo bệnh khi mới vài tuổi đầu, khiến chân phải ông Tân ngày càng teo tóp, yếu dần. Nhưng với nghị lực mạnh mẽ, ông quyết tâm tập bơi để có thể tự chống chọi lại việc bị nước lũ cuốn trôi. Từ Huế, ông Tân cùng gia đình trôi dạt vào Nam, đến với Hậu Giang, vì cuộc sống mưu sinh, rồi mỗi người một hướng tự bươn chải. Mới đầu, ông đi bán bánh ở bến xe, nhưng thấy sông Ngã Bảy có nhiều ghe xuồng thường bị chìm, nên mới nảy ra việc làm nghề lặn thuê kiếm sống. Thế là, ông Tân bắt đầu cuộc hành trình tìm miếng cơm, manh áo đầy gian khó.

Tờ mờ sáng, khi màn sương còn chưa tan hết, ông Tân đã phải đi lặn thuê, từng cơn sóng mạnh đập vào người nghe run lên. Dưới cái nắng, cái lạnh, cái gió, ông Tân vẫn bám trụ với nghề, nhờ đó mà có tiền nuôi con ăn học, lo cho vợ bệnh (hiện đang sống ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Mỗi chuyến lặn thuê của ông Tân được trả từ vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng, nhưng đôi khi làm không công vì gia đình người bị chìm ghe quá nghèo. Cô Tô Kim Huệ, ở khu vực 1, phường Ngã Bảy, chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng cảm phục chú bởi bản thân tật nguyền nhưng nghị lực mạnh mẽ, vượt lên mọi khó khăn để có cuộc sống tốt. Tôi thấy câu nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo nhân nghĩa đúng với chú Tân lắm”.

Ông Tân làm bạn với chiếc ghe tam bản nhỏ, vừa là phương tiện di chuyển khi lặn thuê, tối đến trở thành ngôi nhà để ngủ. Chiếc ghe nhỏ chỉ đủ một người nằm và khoảng trống đặt máy nối với hệ thống ống dẫn khí dài hơn 40m, có thêm cái cưa, xà beng khá thô sơ để ông Tân dùng khi lặn. Mỗi khi lặn, ông ngậm ống thở vào miệng, rồi nhắm mắt lại và bắt đầu mò tìm đồ vật. Ông Tân bộc bạch: “Làm nghề riết rồi quen nên tôi thấy không mệt lắm. Tôi chỉ mong làm lo cho gia đình, dù tàn tật nhưng mình không phế. Có làm thì mới có ăn, đừng trông cậy vào ai ban bố, đó là phương châm sống của tôi”.

Ông thường trầm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ nên dễ bị sổ mũi, cảm, do đó lúc nào trong nón cũng để sẵn vài viên thuốc. Người thợ lặn sợ nhất là bệnh sổ mũi, bởi như vậy rất dễ bị chảy máu cam. Còn chuyện chuột rút, căng cơ đau nhức khi đang làm việc là những sự cố hay thường xuyên xảy ra với ông Tân. Khi ấy, ông chỉ biết gồng mình cho qua cơn đau rồi tiếp tục công việc. Nhưng ông sợ nhất là ống dẫn khí bị đứt hoặc rò rỉ, khiến nước tràn vào, nên lặn sâu dễ gây nguy hiểm đến tính mạng,… Tập lặn không phải là chuyện nhịn thở lâu, mà cần học thở bằng miệng qua ống dẫn khí, nâng dần độ sâu của mực nước và thời gian chịu đựng trong điều kiện áp suất lớn.

Làm nghề lặn tuy vất vả, cực nhọc và đầy rẫy những hiểm nguy, phải đánh cược tính mạng với sông nước nhưng ông vẫn chấp nhận gắn bó. Ông bảo, cuộc sống đôi khi lắm khó khăn, quan trọng là mình dám đối đầu và vượt qua thế nào. Có được đồng tiền lương thiện, chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nên bản thân không bao giờ cảm thấy hổ thẹn.

Nhưng, chắc điều buồn nhất của ông Tân là sống xa gia đình, nhiều khi nhớ vợ, thương con cũng đành bấm bụng. Mỗi năm ông về nhà vài lần, hay có chuyến đi ngang thì ghé tạt qua chốc lát, mấy năm rồi ngày tết cũng xa gia đình. Bỗng chốc, đôi mắt ông lại ngấn lệ, chắc do cuộc sống mưu sinh nên người đàn ông này thèm lắm một bữa cơm trọn vẹn bên vợ con.

Đời ông Tân ăn cơm trên ghe, làm việc dưới nước gian khổ quen rồi, nên điều hy vọng duy nhất là mang lại ánh bình minh tươi sáng cho cô con gái nhỏ.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>