Làng nghề đón tết

15/01/2019 | 08:24 GMT+7

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về cũng là lúc những làng nghề phục vụ tết lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những ngày này, khi các làng nghề đang tất bật chuẩn bị cho sản phẩm ra thị trường, cũng là lúc có thể cảm nhận rõ nhất không khí tết đang đến rất gần với mọi nhà.

Tất bật mùa hoa tết

Những chậu hoa vạn thọ, những giỏ cúc với màu vàng bắt mắt… là hình ảnh rất dễ bắt gặp trên đường về huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ vào những ngày này. Dù không có quy mô được xem như làng hoa lớn, nhưng một số xã, phường nơi đây, từ lâu cũng được nhiều người biết đến là nơi chuyên cung cấp hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Tết về mang theo nhiều hy vọng cho người trồng hoa.

Dọc đường về trung tâm huyện Phụng Hiệp, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn hoa gần 1.000 giỏ của anh Phạm Minh Tiến, ở xã Phương Bình. Để đảm bảo đủ nguồn hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2019, nhiều tháng nay anh Tiến đã bắt tay vào công việc trồng hoa khá sớm. Anh Tiến nói: “Năm nay, tôi chỉ trồng cúc Đài Loan và vạn thọ để phục vụ thị trường tết thôi. Với hai loại này, thì cúc Đài Loan đòi hỏi phải có thời gian trồng dài ngày hơn, nên bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch, tôi đã bắt đầu xuống giống hoa”. Khi có một giỏ hoa nở rộ, ít ai biết rằng người trồng đã phải bỏ ra thời gian ít nhất từ 3-4 tháng chăm sóc. Nhằm đảm bảo nguồn gốc và chất lượng hoa, anh Tiến thường rất cẩn thận trong việc chọn giống, hiện hạt giống hoa đều được anh mua từ làng hoa Sa Đéc nổi tiếng.

Hoa của anh Tiến trồng không chỉ được tiêu thụ ở địa phương, mà cứ mỗi mùa tết đến, các thương lái từ Sài Gòn cũng tìm về để lấy hàng. Hơn 12 năm gắn bó với nghề trồng hoa, anh Tiến như thấu hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loài hoa. Cũng vì lẽ đó, nên dù có cực nhọc và vất vả anh vẫn bám trụ với nghề. “Hoa luôn là sản phẩm được mọi người lựa chọn, trang trí trong nhà vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Hoa tết lệ thuộc rất lớn vào thời tiết, chỉ cần mưa trái mùa nhiều, thời tiết lạnh, sương mù nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người trồng hoa không biết cách xử lý kịp thời, cây hoa rất dễ bị sâu bệnh và khó ra hoa đúng dịp tết. Vì vậy, chúng tôi ngoài cần cù phải tỉ mỉ quan sát để chăm sóc cây cho phù hợp”, anh Tiến chia sẻ thêm.

Rời huyện Phụng Hiệp, chúng tôi về khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, để ghé thăm gia đình có gần 20 năm kinh nghiệm trồng hoa tết của ông Trần Văn Sáu. Năm nay, không chỉ trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, mà ông Sáu còn ươm hoa giống các loại như vạn thọ, hướng dương… để đáp ứng nhu cầu cho người dân xung quanh. Ông Sáu bộc bạch: “Hồi trước, mỗi dịp tết đến tôi trồng hoa rồi chèo ghe đi bán ở tận chợ Vị Thủy, nhưng giờ chỉ đếm cho thương lái chứ không còn đi bán chợ như trước nữa. Nghề trồng hoa tết khá vất vả, nhưng gắn bó lâu năm rồi, nó đã trở thành đam mê và háo hức đối với chúng tôi mỗi khi bắt đầu một vụ hoa mới”. Không chỉ có vạn thọ, cúc tây, cúc mâm xôi,... hàng năm, ông Sáu còn trồng thêm hoa giấy, hồng các loại để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, dù còn một khoảng thời gian nữa mới đến tết, nhưng các nhà vườn trồng hoa như ông Sáu, đang tăng cường các biện pháp kỹ thuật để canh cho hoa trổ đúng vào dịp tết.

Với bao nhọc nhằn và vất vả chăm sóc hoa cả năm trời, những người trồng hoa ở các địa phương đều hy vọng hoa sẽ không phụ lòng người. Người nông dân quanh năm một nắng, hai sương ngày ngày cặm cụi chăm chút cho từng nhánh hoa, cây kiểng, làm đẹp thêm cho cuộc sống sẽ được hưởng một cái tết sung túc, đủ đầy hơn từ hoa.

Bánh, mứt vào xuân 

Trái ngược với cái se lạnh của thời tiết, về ấp So Đũa Lớn A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, chúng tôi mới cảm nhận được sức nóng của không khí làm bánh tráng vào những ngày này. Những gia đình chuyên làm bánh tráng nơi đây lại tất bật xay bột, nạo dừa, tráng bánh và phơi bánh… với số lượng nhiều hơn gấp ba, gấp bốn lần so với ngày thường. Cách đây hơn chục năm, khi nghề làm bánh tráng còn được tráng tính công, nơi đây có hơn chục hộ sống với nghề. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 5 hộ đang theo đuổi nghề làm bánh tráng, với cách làm thủ công.

Những ngày này, bà Đặng lại tất bật hơn với công việc cho ra những mẻ mứt mãng cầu để kịp phục vụ thị trường.

Một trong những người có hơn 20 năm gắn bó với nghề tráng bánh, bà Nguyễn Thị Y, 65 tuổi, ở ấp So Đũa Lớn A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, kể: “Nhớ lại hồi đó, nhà nghèo tết đâu có tiền mua bánh trái gì, thấy gạo có sẵn ở nhà, mẹ tôi mới đem ngâm xay thành bột, rồi tráng lấy bánh cho chúng tôi ăn trong mấy ngày tết. Cũng nhờ vậy mà chị em tôi học được cái nghề tráng bánh này. Năm 22 tuổi, tôi đã bắt đầu học tráng bánh, rồi sau đó tráng mướn tính công thấy ham lắm, tết đến có người đem cả thùng gạo lại kêu mình tráng bánh”. Có lẽ, không ai ở đây nhớ rõ nghề làm bánh tráng có từ khi nào, nhưng những người như bà Y chỉ biết, đây là cái nghề được truyền từ các bà, các mẹ thời trước.

Còn với bà Nguyễn Thị Nhã, 62 tuổi, sống một mình, nhà không có ruộng đất gì, nhưng từ cái nghề tráng bánh hơn 40 năm qua, đã giúp bà có cuộc sống ổn định. Bà Nhã kể: “Nghề làm bánh tráng này là công việc chính đã sống cùng tôi hơn mấy chục năm nay. Nhớ hồi trước, mỗi khi tết đến ghe từ Hậu Giang lên lấy bánh thấy ham lắm, bánh lúc đó tính bằng thiên không à. Rồi những năm gần đây, vì thiếu đầu ra, nghề tráng bánh cũng bấp bênh lắm. Để chuẩn bị bánh phục vụ tết, vào đầu tháng chạp, tôi đã bắt đầu tráng bánh”.

Bánh tráng ở ấp So Đũa Lớn A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A đến nay vẫn còn níu chân được thực khách bởi được làm từ 100% bột gạo xay. Ngoài vị đậm đà của bột gạo, bánh còn được thêm muối để cho ra bánh tráng mặn, thêm nước cốt dừa, mè, đường để cho ra bánh tráng ngọt và thêm hành, ngò sẽ cho ra bánh tráng nướng… “Một số khách đi làm ở xa hoặc khách nước ngoài về chơi tết, thường đặt bánh rất nhiều, có người một lần đặt đến mấy trăm bánh để mang về làm quà. Bởi vậy, tết tôi cũng làm suốt chứ đâu có nghỉ”, bà Nhã chia sẻ thêm.

Không chỉ có bánh tráng, mà một số loại mứt truyền thống được làm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, cũng được tất bật chuẩn bị để cho ra thị trường. Một trong những loại mứt mà chúng tôi muốn nhắc đến, đó là mứt mãng cầu làm nhà của bà Phạm Thị Đặng, ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp. Sử dụng mãng cầu chín sẵn có trong vườn nhà, gần 3 năm nay mỗi dịp tết đến, bà Đặng đều cho ra thị trường từ 800-1.000kg mứt thành phẩm. Bà Đặng cho biết: “Mấy năm trước, trong một lần mãng cầu mất giá, đến lúc thu hoạch nhưng khó tiêu thụ, tôi mới suy nghĩ đến việc lấy mãng cầu làm mứt để bán. Mứt mãng cầu là loại mứt được làm từ loại trái cây trong tự nhiên, nên được rất nhiều người yêu thích. Hiện tại, cũng đã có mấy mối quen đặt hàng để tôi làm phục vụ tết rồi”.

Mứt mãng cầu của bà Đặng được làm hoàn toàn từ mãng cầu chín cây, không qua xử lý hóa chất, nên luôn giữ được vị đậm đà và thanh ngọt. Mãng cầu chín sau khi được lột vỏ, lấy hạt sẽ được tách ra từng múi và để ráo. Tiếp đó, sẽ được trộn đường và cho lên bếp để sên với lửa nhỏ trong khoảng thời gian 1 giờ. Mứt sau khi sên xong sẽ được cho ra mâm để phơi trực tiếp dưới ánh nắng, khi miếng mứt đã khô sẽ được quấn vào giấy. Bà Đặng tâm sự: “Trung bình 1kg mãng cầu chín sẽ cho ra 600gr mứt thành phẩm, mứt ở đây tôi làm có thể bảo quản và sử dụng từ 2-3 tháng. Thông thường khoảng tháng 11 âm lịch, tôi đã bắt đầu vào vụ làm mứt phục vụ tết rồi”. Hiện tại, mứt mãng cầu của bà Đặng không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà bà còn bỏ mối cho một số thương lái ở Sài Gòn, Sóc Trăng và Cần Thơ…

Một mùa xuân nữa lại về, sắc xuân đang bao trùm lên từng con đường, từng ngôi nhà và cả những người đang hối hả chuẩn bị cho ngày tết sắp đến. Các sản phẩm như hoa, bánh, mứt… một phần không thể thiếu trong tâm thức của người Việt, sẽ mãi là hương vị đặc trưng tạo nên một cái tết đầm ấm, ý nghĩa với mỗi gia đình.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>