Nghề chùi lư đồng “vào mùa”

13/02/2018 | 10:29 GMT+7

Những ngày giáp tết, khi nhà nhà, người người tất bật lo dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ gia tiên đón chào xuân mới, cũng là thời điểm những người làm nghề chùi bóng lư đồng “vào mùa”.

Dưới bàn tay của người thợ, những bộ lư đồng đã sáng bóng, sạch đẹp.

Những ngày này, ông Trần Văn Thiện, ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, lại tất bật với công việc chùi lư đồng. Với quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước tài lộc về với gia đình nên người dân khá quan tâm đến dịch vụ này. Chính vì vậy, đây cũng là mùa “ăn nên làm ra” của thợ đánh bóng lư đồng. Ông Thiện chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng 7-8 năm nay. Mỗi dịp tết đến, xuân về nhiều gia đình đem lư đồng trên bàn thờ tổ tiên đến lau chùi, đánh bóng, làm mới. Thông thường, trước tết khoảng 1 tháng thì tôi bắt đầu làm. Khách mối của tôi cũng nhiều vì những năm trước mình làm, họ thấy đẹp thì tiếp tục tìm tới. Những khi mọi người bận việc không mang ra được, tôi cũng đến tận nhà rồi mang về làm, sau đó, khách đến nhận về”.

Theo ông Thiện, nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi phải có uy tín và tay nghề. Bởi không ai giao bộ lư đồng quý giá từ thời ông bà tổ tiên xưa cho người lạ, người mới làm nghề bao giờ. Để cho lư đồng được sáng bóng, người thợ đánh bóng lư đồng phải cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo độ sáng đồng đều, đồng thời đảm bảo lư đồng tránh biến dạng, trầy xước. Ông Thiện chia sẻ: “Vào dịp cao điểm trước tết, mỗi ngày tôi nhận khoảng 15-20 bộ lư và phải làm việc cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng. Để đánh xong mỗi bộ lư mất khoảng 2-3 giờ, tùy theo kích cỡ loại lư mà tiền công khác nhau, thường dao động từ 150.000-170.000 đồng/bộ. Lư đồng có rất nhiều loại như: lư tròn, lư vuông, lư chữ nhật, lư trúc… Trong đó, dễ chùi nhất là lư tròn, khó đánh bóng nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ với những chi tiết nhỏ”. Hiện nay, số lượng khách hàng mang lư đồng đến đánh bóng khá đông, vì vậy, để kịp thời gian, người con trai của ông Thiện cũng phụ giúp ông trong công việc này.

Nghề chùi lư đồng là nghề thời vụ, chỉ thực hiện trong dịp tết với đồ nghề khá gọn và thao tác cũng dễ làm. Tuy nhiên, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, lau chùi cẩn thận. Phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô tơ để tránh làm lư đồng biến dạng. Ở các khe, rãnh, hoa văn phải đánh thật cẩn thận để đảm bảo độ sáng đồng đều. Theo anh Hoàng, một trong những người nhận chùi lư đồng ở phường I, thành phố Vị Thanh, mỗi bộ lư anh mất ít nhất cũng 2 tiếng đồng hồ, còn những bộ phức tạp nhiều hoa văn thì tốn thời gian hơn. Làm nghề này, người thợ còn đối mặt với thứ độc hại đến bụi bặm do cọ xát lư đồng, rồi hóa chất đánh bóng. “Mấy ngày này, tranh thủ làm kiếm tiền tiêu tết. Thường cao điểm của nghề này bắt đầu từ 20 tháng Chạp trở đi. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, đủ tiền mua sắm tết”, anh Hoàng bộc bạch.

Theo những thợ làm nghề chùi lư đồng, lư đồng ngày xưa có nước đồng vàng, dày và bóng đẹp hơn so với những bộ lư ngày nay. Dưới bàn tay điệu nghệ, thoăn thoắt của người thợ, những bộ lư đồng phủ màu cũ kỹ như khoác lên bộ áo mới đón chào mùa xuân. Trong dịp tết đến xuân về, việc làm mới những bộ lư đồng để bày trên bàn thờ gia tiên chính là nhu cầu tâm linh thiết yếu của mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, cũng giúp một số gia đình có thêm thu nhập dịp xuân về, tết đến...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>