“Nghề giúp giảm nghèo”

04/05/2017 | 09:16 GMT+7

“Tôi gắn bó với nghề hơn 10 năm rồi, công việc này như giúp giảm nghèo, làm cũng sống qua ngày được...”, ông Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất ghế, bàn đá mài, giả gỗ đã chia sẻ như vậy khi nói về nghề của mình.

Chà nhám lại các chân đá để chuẩn bị ráp mặt bàn tại cơ sở của ông Hồ Minh Được (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp).

Mặc cho cái nắng gay gắt bên ngoài, tuy đã gần 12 giờ trưa, nhưng không khí làm việc ở Cơ sở sản xuất ghế, bàn đá mài, giả gỗ Ngọc Tuấn, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, vẫn rất sôi nổi. Đang nhanh tay đổ hồ vào khuôn ghế, ông Tuấn, chủ cơ sở, cho biết: “Để làm ra cái ghế, bàn đá phải trải qua nhiều công đoạn lắm và mất ít nhất từ 4-5 ngày mới cho ra được một sản phẩm hoàn chỉnh”. Với nguyên vật liệu như: xi măng, sắt, chủ cơ sở có thể đặt mua ở các cửa hàng vật liệu xây dựng, còn đá, cát, bột trét… phải đặt mua ở những nơi chuyên cung cấp nguyên liệu làm ghế, bàn đá mài ở tận Thành phố Hồ Chí Minh… Riêng đá nguyên liệu được các cơ sở mua với giá 2.000 đồng/kg.

Với cát, đá, xi măng, sắt, thép… qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, những bộ ghế đá mỹ nghệ đã được cho ra đời, thế nhưng để làm ra cái ghế, bàn đá đòi hỏi người thợ phải khá vất vả. Từ công đoạn trải đá, đến đổ hồ vào khuôn phải mất 1-2 ngày để hồ được khô và cứng lại. Tiếp theo, người thợ sẽ mài mịn ở các mặt, để sản phẩm được đều và láng bóng cần trét lại các vết nứt, lỗ khuyết trên bề mặt. Sau đó, khi ghế khô sẽ dán chữ decal hoặc khắc chữ theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi ngày, cơ sở của ông Tuấn đổ được khoảng 6 cái ghế. Đa phần sản phẩm ghế đá thường được các cửa hàng vật liệu xây dựng đặt mua để làm quà tặng cho khách hàng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, bàn, ghế đá bây giờ có đa dạng nhiều loại như: ghế liền, ghế rời và ghế giả gỗ. Cũng thử làm qua nhiều loại ghế, nhưng hiện nay, cơ sở của ông Tuấn chỉ làm loại ghế liền. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cơ sở vẫn làm loại ghế giả gỗ khi khách có nhu cầu, ông Tuấn nói: “Ghế liền, ghế rời mình bán khoảng 270.000-300.000 đồng/cái, còn ghế giả gỗ sẽ có giá 400.000 đồng/cái. Trước tôi cũng làm ghế giả gỗ, nhưng tất cả phải tạo hình, đắp thô bằng tay nên cực lắm, lại lời không nhiều nên không làm nữa”. Khách hàng đặt loại ghế giả gỗ, thường là những nhà được cất theo kiểu xưa hoặc nhà thích cảnh thiên nhiên.

Bén duyên với nghề làm ghế đá mỹ nghệ khi còn là chàng trai tuổi đôi mươi, đến nay ông Hồ Minh Được, ở ấp Tầm Vu, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã tự mở cho mình được một cơ sở nhỏ chuyên làm ghế, bàn đá mài. Đến nay, ông Được đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, ông Được tâm sự: “Hồi xưa, khi mới vào nghề tôi phải đi đến các cửa hàng vật liệu xây dựng để tìm mối, còn giờ khách quen không à. Khi nào cần đặt ghế, bàn người ta sẽ gọi cho mình. Nghề này tuy không đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng nếu mình làm càng kỹ thì sản phẩm sẽ càng đẹp. Hồi đó, tôi đi học nghề 3 năm ở tuốt dưới Cà Mau”. Các sản phẩm do cơ sở ông Được làm ra đang được bỏ mối chủ yếu cho các cửa hàng vật liệu xây dựng trong tỉnh. Một cái ghế, bàn đá thành phẩm trừ hết mọi chi phí chủ cơ sở sẽ lời được 40.000-50.000 đồng.

So với trước đây, khi mà mỗi cái ghế, bàn đá mài chỉ được bán với giá khoảng 100.000 đồng/cái, thì hiện các sản phẩm này, cũng bán được giá cao hơn nhiều, bình quân khoảng 300.000 đồng/cái. Ở cơ sở của ông Được, chủ yếu làm loại ghế đá rời, nên thường khoảng 1 tuần mới có thể cho ra được 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Nghề này giờ khó kiếm được thợ, trung bình mỗi người thợ làm chỉ được 2 sản phẩm/ngày. “Làm ghế rời nên mình phải làm thủ công như ráp lưng ghế, ráp chân ghế… Mấy năm nay, nhiều cơ sở cũng ra làm bàn, ghế đá mài lắm nên phải cạnh tranh”, ông Được chia sẻ thêm.

 Những cái ghế, cái bàn đá đã góp phần điểm tô không gian sống cho mỗi gia đình và đằng sau nét đẹp của từng sản phẩm là bàn tay tỉ mỉ của nhiều người thợ và chất chứa biết bao câu chuyện mưu sinh…

Không dám cho con cái theo học nghề

Ông Hồ Minh Được, chủ cơ sở sản xuất ghế, bàn đá mài, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Thường khâu mài các sản phẩm là cực lắm, tại bụi cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mình. Nghề này, nói giàu thì chắc không thể, nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Thấy nghề cực quá nên tui cũng không cho mấy thằng con nó theo nghề của mình, cho tụi nhỏ đi học để nó biết cái chữ mà thay đổi cuộc đời, chứ làm nghề này…”.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>