Nghề hầm than

11/12/2018 | 10:26 GMT+7

Không ai nhớ rõ nghề hầm than củi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, có tự bao giờ. Có điều những người thợ chỉ nhớ mình làm nghề này đã 30-40 năm, từ cái lò than cũ mà ông cha để lại.

Chuyển củi lên lò hầm than.

Trong những ngày này, đi dọc hai bên bờ sông Cái Côn, sông Hậu, kênh Ngã Tư… thuộc địa bàn xã Tân Thành, Đại Thành và Phú Tân, nơi có nhiều lò hầm than trên bến dưới thuyền người ghe nhộn nhịp. Sau nhiều giờ chờ đợi, cuối cùng tôi cũng gặp được chú Ba Quang (Trà Thanh Quang), người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề hầm than và cũng là chủ của 3 cái lò than ở ấp Phú Tân, xã Phú Tân, được nhiều người biết đến là người “thâm niên” với nghề hầm than.

Trong khuôn viên sân nhà rộng khoảng 3.000m2 của chú chất đầy củi đước, 3 cái lò than cũng đang nghi ngút khói, gần chục người làm công cũng hì hục người chụm lò, người vác củi, người ra than… Tiếp tôi trong bộ quần áo dính đầy bụi than, nhưng cái điện thoại trong túi áo của chú chuông cứ đổ liên hồi. Chú nói với tôi: “Mệt lắm ông nhà báo ạ, gần tết thương lái đặt mua than liên tục nên hầu hết các lò than ở đây phải làm hết công suất mới đủ than giao cho mối”. Lời lãi không mấy là bao, nhưng nghề làm than này giống như nghề cha truyền con nối suốt mấy mươi năm đã qua. Hàng trăm hộ dân ở đây có cuộc sống cho dù không dư dả hơn người khác, nhưng cũng đủ để nuôi sống gia đình và con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Năm nay, khách hàng đặt mua than thành phẩm với  giá 9.000-11.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 2.000-3.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí mua nguyên liệu, nhân công… khoảng hơn 200 triệu đồng/một mẻ than thì chủ lò còn lời được 5-10 triệu đồng, sau hơn 20 ngày hầm củi.

Nhấp cạn ly trà, chú Ba Quang khà một hơi dài lấy giọng, chú nói rằng những năm gần đây người làm nghề than ở đây sống được là nhờ sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ nội địa, mà còn xuất sang một số nước. Nhờ có thị trường tiêu thụ mạnh nên lò than ở xã Tân Thành, Đại Thành của thị xã Ngã Bảy và xã Phú Tân, huyện Châu Thành cũng đã tăng số lượng lên đến khoảng 900 lò. Đây cũng là cơ hội tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động tại địa phương và vùng lân cận. Bởi khi sản xuất được một mẻ than phải trải qua nhiều công đoạn như người đi mua củi, người đưa củi vào lò, người chụm lò, người xuất than... với công việc khá nặng nhọc. Vì vậy, hầu hết chủ lò nào cũng phải thuê mướn nhân công, mỗi người một việc, thu nhập từ 200.00 - 300.000 đồng/người/ngày. Nhờ vậy, mà hầu như số người trong tuổi lao động tại địa phương không ai phải đi xứ khác để làm thuê làm mướn.

Đang chờ để đưa tiếp củi đốt vào lò hầm than, chị Lê Thị Hoa, người thợ chụm lò cho chú Ba Quang cho biết quê chị ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhà chị nghèo, không đất canh tác. Quanh năm quần quật làm thuê, nhưng nhờ có người quen chỉ dẫn, vợ chồng chị đưa hai đứa con sang đây làm mướn ở lò than. Nhiều năm qua, anh Kha (chồng chị Hoa) làm nghề cưa cắt củi ở xóm lò than này, chị thì lãnh phần trông coi chụm lửa lò, được chủ lò bao luôn ăn ở, nhờ vậy mà anh chị còn doi dư được vài ba triệu đồng/tháng, cho con ăn học. Anh Đoàn Quốc Tiến, ngụ ấp Đông An 2, xã Tân Thành, cho biết: “Nghề hầm than ở địa phương đã có từ những năm 1980, nhờ nghề này mà đời sống của người dân khá ổn định, có gia đình nuôi được cùng lúc hai người con học đại học. Những người làm thuê như chúng tôi sống rất đoàn kết không phân biệt người địa phương, có việc chia nhau làm, người khỏe giúp người yếu, tiền bạc chia sòng phẳng”.

Ông Trần Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết xung quanh khu vực làng nghề hầm than việc phát tán bụi than cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng vườn cây ăn trái của người dân xung quanh. Tuy nhiên, do nghề hầm than gần như trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân địa phương nên xã đang vận động người dân có kế hoạch bảo vệ môi trường. Bằng cách là lắp đặt thêm nhiều hệ thống xử lý khói bụi, che chắn hầm lò cẩn thận nhằm hạn chế được tình trạng khói bụi phát tán gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân khác, nhất là xung quanh khu vực làng nghề hầm than.

Bài, ảnh: QUANG HẢi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>