Nghề may áo dài giữ nét truyền thống

17/01/2018 | 10:00 GMT+7

Công việc của những thợ may áo dài thật sự không đơn giản, họ chính là những người đang giữ nét truyền thống của dân tộc qua nghề nghiệp của mình.

Những ngày giáp tết, chị Thùy Trinh luôn tất bật may áo dài để kịp giao cho khách.

Nằm trong con hẻm của đường Đồ Chiểu, phường I, thành phố Vị Thanh, tiệm áo dài Nương hơn chục năm tuổi những ngày giáp tết thật rộn ràng người vào, người ra. Đang tất bật may chiếc áo dài cho khách mặc đám, chị Nương, thợ chính và chủ tiệm may, nói: “Khách may ở đây chủ yếu là các chị đi làm, học sinh là nhiều. Lúc trước, áo dài chỉ được may theo mùa, vào dịp tựu trường, tết hay lễ Nhà giáo Việt Nam 20-11… bây giờ, khách may quanh năm luôn, tại nhiều cơ quan hoặc công ty cũng chọn áo dài làm đồng phục rồi. Đến thời điểm này, tiệm may của tôi cũng đã chính thức nghỉ nhận vải may áo cho khách rồi. Nếu nhận nhiều quá làm không kịp mất uy tín hết”. Hiện tại, một bộ áo dài được may với mức giá dao động từ 200.000-400.000 đồng, tùy theo chất liệu vải may áo. Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn cho chiếc áo cũng như trang trí cho chiếc áo dài trở nên sinh động, các thợ may áo dài còn gắn thêm hoa văn, phụ kiện như: kết, thêu hoa, xỏ chuỗi… trên thân và tà áo.

Nếu trước đây, chiếc áo dài chỉ được may đơn giản và có chiều dài vừa tới đầu gối là được, hiện nay áo dài phải có chiều dài tới mũi chân và tà áo rộng đang được nhiều khách hàng lựa chọn. “Theo thời gian, chiếc áo dài bây giờ cũng đã thay đổi rất nhiều tinh tế, cầu kỳ hơn và có phần hiện đại hơn trước rất nhiều. Bên cạnh chiếc áo dài truyền thống, ở tiệm khi khách yêu cầu may áo dài cách tân chúng tôi cũng nhận may”, chị Nương chia sẻ thêm.

Không riêng gì tiệm may của chị Nương, nhiều tiệm áo dài thời điểm này đều đắt khách. Tiệm may nhỏ của chị Tím ở chợ Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng khá thu hút khách, bởi khi đến đây khách còn được chủ tiệm tư vấn những mẫu vải phù hợp với vóc dáng. Chị Tím tâm sự: “Tuy ở đây là khu vực nông thôn, nhưng nhu cầu may áo dài của bà con cũng rất nhiều. Để thuận tiện cho khách lựa được bộ áo dài ưng ý, ở tiệm tôi lấy luôn các mẫu vải mới với nhiều mức giá khác nhau phục vụ cho khách. May áo dài nhìn đơn giản vậy thôi, chứ cũng “khó ăn” lắm”. Trung bình một người thợ may thường mất thời gian khoảng 1 ngày để may được một bộ áo dài hoàn chỉnh. Khâu khó nhất để hoàn thành chiếc áo dài là làm phần cổ áo.

Không riêng gì các tiệm may có được vị trí thuận lợi, thời gian qua, tiệm may nhỏ của chị Thùy Trinh, nằm ven trong khu hành chính tỉnh, dù không có bảng hiệu phô trương, nhưng vẫn được nhiều người biết đến. Chị Trinh chia sẻ: “Để may chiếc áo dài đẹp, quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Sau đó, đo ni thật kỹ, xếp vải thật khéo để tránh cắt vải bị xéo, rồi may sao cho đường chỉ chiếc áo được mềm mại. Chiếc áo dài khéo là khi người mặc vừa vặn, không dùng đường chỉ, không nhăn”. Để giữ uy tín với khách, khi nhận may áo, chị Trinh luôn đảm bảo giao đúng ngày hẹn và chủ động kiểm tra, chỉnh sửa nhanh chóng nếu khách mặc thử mà chiếc áo chưa thật ưng ý.

Đã có lúc những chiếc áo dài truyền thống ít được sử dụng, thay vào đó là những chiếc áo bà ba, chiếc váy kiểu hay những bộ comle sang trọng… nhưng rồi, khi các trào lưu trang phục dần qua đi, chiếc áo dài truyền thống vẫn được nhiều người lựa chọn, nhất là các bạn trẻ. Cũng nhờ vậy, nhiều người thợ may áo dài đã yên tâm bám trụ theo đuổi nghề.

Áo dài bây giờ là trang phục đang được nhiều chị em ưu tiên mặc trong các sự kiện quan trọng cũng như các dịp lễ, tết… Không riêng gì khách trong nước, chị Thùy Trinh còn có nhiều khách hàng thân quen là các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài. “Nhiều khách lấy chồng nước ngoài về đây chơi cũng hay ghé tiệm để may áo, có người may một lần cả chục bộ luôn. Thấy hình ảnh áo dài giờ được nhiều người lựa chọn, những người thợ chúng tôi cũng yên tâm theo đuổi cái nghề của mình”, chị Thùy Trinh cho biết thêm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>