Nghề mua ve chai ăn nên làm ra mùa tết

31/01/2019 | 10:26 GMT+7

Trong khi mọi người đã tất bật dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón tết, thì đây cũng là thời điểm ăn nên làm ra của những người chuyên mua phế liệu.

Bà Trần Thị Mau, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi khi mới đầu giờ sáng đã mua phế liệu đầy xe.

Những ngày này, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông, người phụ nữ với chiếc xe đạp cọc cạch, chở đằng trước đầy ắp cả đống giấy vụn, ve chai… Mọi người dường như đều cố gắng làm việc nhanh hơn những ngày bình thường, để tranh thủ kiếm thêm khoản thu nhập trong mùa vụ những ngày gần tết. Anh Trần Văn Hiếu, có gần 10 năm gắn bó với nghề mua ve chai ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tâm sự: “Thường trước khi đón năm mới, gia đình nào cũng tân trang, dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất. Khi đó, đồ gia dụng, thiết bị điện tử cũ kỹ, hư hỏng hay các vật dụng không dùng đến đều được thu gom để bán ve chai. Còn sau tết, lon nhôm, chai nhựa, hộp đựng mứt, bánh kẹo… cũng được bán ra nhiều hơn thường ngày. Bởi vậy, những người sống bằng nghề mua ve chai chúng tôi, lúc này là thời điểm thu nhập khá nhất”.

Theo những người lâu năm trong nghề mua ve chai nếu như bình thường trong năm, trung bình mỗi ngày họ chỉ kiếm được từ 80.000-100.000 đồng, thì vào dịp cận tết, số tiền thu nhập kiếm cũng được tăng lên từ 120.000-200.000 đồng. “Chỉ còn vài ngày nữa là tết, nhưng tôi vẫn lang thang khắp nơi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, chỉ mong mua được nhiều đồ hơn để có thêm chút đỉnh tiền dành ăn tết. Ngày thường, nếu chỉ chạy một chuyến mua đầy xe rồi về, thì mấy ngày cận tết mỗi ngày tôi mua tăng lên từ 2-3 xe. Nghề này làm được quanh năm, nhưng được nhất có 2 mùa, nên ai cũng cố gắng đi nhiều hơn”, anh Phan Thanh Hiển, ở thành phố Vị Thanh, bộc bạch.

Về chiều, tại các địa điểm thu mua phế liệu trên các tuyến đường cũng trở nên nhộn nhịp hơn bởi tiếng nói cười, trò chuyện của người mua kẻ bán hay giữa những người bạn cùng hành nghề với nhau. Cảnh tháo dỡ, khiêng hàng, phân loại phế liệu… nhộn nhịp hơn rất nhiều so với mọi khi. Bà Trần Thị Mau, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Những ngày này thì vất vả hơn vì hàng hóa người ta đem bán nhiều, thậm chí có ngày trúng đi chở tới 2-3 lần. Giá cả tuy giảm hơn chút đỉnh, nhưng nhờ số lượng mua được nhiều, nên thu nhập cũng khá hơn”. Đa phần các điểm thu mua phế liệu hiện chỉ mua và phân loại để vựa lại qua tết mới bán, nên khiến giá cả các loại phế liệu cũng giảm từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/kg. 

Được biết, nhờ nghề mua ve chai này, đã giúp gia đình bà Mau mỗi năm cũng có được cái tết đầm ấm hơn nhờ số tiền lời từ nghề mua ve chai. “Ngoài thời gian đạp xe đi vòng vòng xã để mua phế liệu, thì mấy bữa gần tết này, khi nào có khách gọi muốn bán đồ phế liệu tôi cũng đến tận nhà mua luôn. Nhờ số tiền lời từ công việc mua phế liệu, mà hiện tôi đã mua sắm đồ tết được cho cháu rồi, còn ít để dành lại mua bánh mứt, đồ ăn… tết này cũng thấy phấn khởi hơn rồi”, bà Mau chia sẻ thêm.

Dẫu biết rằng, mỗi ngành nghề sẽ có cái vất vả riêng, nhưng với những người sống bằng nghề mua ve chai như anh Hiếu, anh Hiển, bà Mau… thì mọi mệt nhọc sẽ không còn, khi nhìn thấy những xe phế liệu của mình đầy ắp sắt vụn, giấy vụn, lon bia, đồ gia dụng hư… để giúp họ có thêm ít tiền lời ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>