Nghề nhìn “chói lóa”, nhưng lắm nỗi lo

17/03/2017 | 09:15 GMT+7

Hàng ngày, phải tiếp xúc với sắt, điện, với các tia lửa hàn tung tóe... nhưng vì cuộc sống, những người đang gắn bó với nghề hàn, nghề tiện vẫn cố gắng bám trụ.

Ông Trung hàn lại các thanh sắt trên chiếc xe ba gác để kịp giao cho khách.

Dọc các tuyến đường trong tỉnh, rất dễ bắt gặp hình ảnh những người thợ hàn, tiện đang cần mẫn để làm ra các sản phẩm. Có mặt tại tiệm hàn Trung ở phường VII, thành phố Vị Thanh, tận mắt chứng kiến các người thợ ở đây làm một chiếc xe ba gác bằng các thanh sắt được hàn gắn kết lại với nhau, mới thấy hết sự vất vả của nghề này. Những tia lửa hàn bắn ra tung toé giống như pháo hoa đỏ rực, kèm theo đó là cái mùi hăng hắc khó chịu của que hàn đã được làm chảy ra do nhiệt độ cao. Rồi mấy đứa trẻ gần đó cũng xúm xít lại coi vì sự thích thú của lửa hàn. Tuy nhiên, đâu ai biết rằng đó là những mối nguy hiểm đang rình rập… Ông Nguyễn Văn Trung, chủ tiệm ở đây, cho biết: “Nghề hàn kim loại này hiện nay cũng cạnh tranh lắm, tôi là chủ cũng phải lao vào làm mới mong có ăn, chứ giờ nhiều người biết hàn nên ai cũng mở tiệm hết”. Thường chi phí để đầu tư các loại máy hàn, máy tiện… có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tùy theo giá thành nên chất lượng mỗi máy cũng sẽ khác nhau.

Nếu trước đây, việc hàn chỉ để sửa chữa các vết nứt, vết gãy của máy móc, kim loại hay hàn thiết, nhôm để cho ra các vật dụng như thùng tưới nước, thì ngày nay, nghề hàn được ứng dụng rộng rãi vào việc làm cầu thang, lan can, nhà tiền chế… Theo ông Trung công việc hàn thấy vậy chứ rất nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là mắt. Để cho ra một sản phẩm hàn hoàn chỉnh người thợ phải đo, cắt sắt theo đúng tỷ lệ khách đặt. Sau đó, những thanh sắt sẽ được hàn dính lại với nhau bằng các que hàn ở nhiệt độ cao từ 1.800-1.9000C.

Chọn gắn bó với nghề hàn từ thời còn trẻ, anh Phan Thanh Giàu, quê ở Trà Vinh, hiện đang làm công nhân hàn cho công trình xây dựng ở thành phố Vị Thanh, vẫn không thể nào quên cảm giác của những ngày đầu mới học nghề. Anh Giàu nói: “Hồi đó, tôi đi làm công nhân rồi được mấy chú ở đây thương nên dạy cho cái nghề hàn sắt này. Làm công nhân chỉ được trả khoảng 200.000 đồng/ngày, còn thợ hàn thì được trả cao hơn, từ 250.000-300.000 đồng/ngày”. Để học được nghề hàn, anh Giàu cho hay mất rất nhiều thời gian. Lúc mới hàn, do chưa quen với ánh sáng mạnh từ các tia lửa hàn phát ra, nên hai mắt anh luôn nhức và chảy nước mắt liên tục. “Nghề này cực lắm, suốt ngày tay chân mặt mày lấm lem hết, quần áo thì do ánh hàn văng vào có khi cháy lủng hết. Suốt ngày phải tiếp xúc với sắt thép, mạt sắt, lửa hàn bắn vào người rất khó chịu”, anh Giàu chia sẻ thêm.

Cũng mặt mày lấm lem, tay chân đều dính toàn dầu mỡ, nghề tiện kim loại là một trong những nghề sửa chữa, gia công một số chi tiết máy cũng đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, do máy móc ngày càng được cải tiến, thiết bị thay thế rất dễ dàng mua được, nên nghề tiện cũng đang bị thu hẹp dần.

Bên cạnh đó, do đường sá thuận lợi hơn trước ít ai đi vỏ máy, vì vậy cũng ít có đồ để làm. Tuy nhiên, vào vụ mía hay mùa lúa thì những tiệm hàn tiện cũng ăn nên làm ra. Theo bà Nguyễn Thị Thu, chủ xưởng tiện Phát Thành, cho biết: “Công nhân làm ở xưởng tôi đa phần là họ tự tìm đến xin học nghề thôi. Vào đây rồi, mình nuôi cơm để họ vừa học nghề vừa phụ mình luôn. Đến lúc tay nghề họ vững, nếu muốn ở lại làm thì tôi trả công dựa trên sản phẩm. Đó giờ, nhà tôi cũng dạy được nhiều người học nghề này lắm”.

Do nhu cầu ngày càng hiện đại, nên hiện nay các tiệm, xưởng theo nghề hàn tiện cũng dần cho thợ nâng cao tay nghề để làm và sửa máy móc đa dạng hơn. Anh Nguyễn Văn Sum, chủ một tiệm hàn tiện, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Đa phần ở đây, tôi hàn đồ lặt vặt để bán thôi. Còn sửa máy móc cũng ít lắm, lâu lâu mới có mấy chủ máy cắt kêu sửa lặt vặt. Với lại, giờ đường sá đi lại thuận tiện nên ít ai sử dụng máy dầu, máy xăng rồi nên đâu có nhiều máy móc để sửa như hồi xưa”. Tại các tiệm hàn, tiện để giữ gìn sức khỏe làm việc lâu dài các anh cũng tự trang bị thêm các trang, thiết bị nhằm đảm bảo an toàn khi làm như: mặt nạ sắt, mắt kính khi hàn, khẩu trang, găng tay…

Hiện nay, tại các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang tuyển sinh và đào tạo các lớp liên quan đến công việc hàn, tiện đó là nghề cắt gọt kim loại, nhưng số người chọn học chưa được nhiều, đặc biệt là học xong gắn bó với nghề cũng ít. Những người thợ hàn, tiện họ luôn cảm thấy vui với những gì được mình làm ra dù khá gian nan, nhiều người ví họ như nghệ sĩ của kim loại…

“Nghề hàn tiện sống khó hơn rồi”

Chủ xưởng tiện Phát Thành, ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề tiện này từ trước tiếp thu đến giờ. Hồi đó, khi máy móc còn thiếu thốn, phụ tùng thay thế khan hiếm thì nghề hàn, tiện đa phần sống được, nhưng về sau này, phụ tùng máy móc cũng rẻ, thiết bị nhập khẩu lại nhiều nên nhu cầu sửa chữa, thay thế rất ít, nên sống khó hơn”.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>