Người thương binh 2/4 kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động

28/04/2020 | 06:45 GMT+7

Từng cầm súng chiến đấu, bỏ lại chiến trường một phần cơ thể, khi trở về với cuộc sống đời thường, người thương binh 2/4 Nguyễn Văn Kiệt, ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy luôn nỗ lực để xây dựng cuộc sống mới.

Công ty của ông Kiệt (phải) tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động tại địa phương.

Đến gặp ông Kiệt vào buổi trưa, lúc này, ông đang hướng dẫn các công nhân lấy bàn ghế khuân lên xe, chuẩn bị giao cho khách hàng. Thấy có khách ông liền ngừng công việc. Nhìn ông đi đứng, làm việc, chúng tôi hầu như không nhận thấy vẻ gì khác biệt, ngoài một chân đi lại có khó khăn một chút. Trong suy nghĩ của chúng tôi, thương binh 2/4 như ông sức khỏe khá yếu, không thể đi đứng thoải mái như vậy. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông Kiệt vui vẻ cho biết: “Năm 1984, tôi đi chiến trường Campuchia, trong chiến dịch mùa khô năm 1985 bị thương gãy đùi phải. Sau khi điều trị vài tháng ở nước bạn, tôi trở về nước tiếp tục trị thương. Cái chân bị thương năm nào nhờ điều trị và phục hồi tốt, nên đi đứng cũng thoải mái, những lúc trái gió trở trời cũng không bị đau nhức”.

Năm 1989, ông phục viên, lúc đó ông trở về quê ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp sinh sống. Tài sản của người lính chẳng có gì ngoài chiếc ba lô với vài bộ quần áo cũ, cùng với vết thương ở chân. Với bản chất kiên cường của người lính, ông Kiệt đã cố gắng hết sức để xây dựng cuộc sống mới. Nhấp ly trà nóng, ông Kiệt nhớ lại những năm tháng ngày xưa - những ngày vất vả mà ông khó có thể nào quên. Năm 1990, ông đến với nghề bán đồ nhựa để kiếm sống qua ngày. “Lúc đầu khó khăn lắm cháu ơi, vết thương tuy lành bên ngoài nhưng vẫn còn đau nhức, mỗi lần xuống xuồng ghe để đi mua bán rất vất vả. Dù vậy, chú vẫn cố gắng vượt qua, để có cuộc sống như ngày hôm qua”, ông Kiệt chia sẻ.

Đến năm 1993, ông lập gia đình và vào thành phố Ngã Bảy để lập nghiệp với hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Vốn là người nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông sớm nhận ra tiềm năng của ngành kinh doanh đồ nhựa, nên đã quyết định mở một tiệm bán đồ nhựa nho nhỏ ở thành phố Ngã Bảy. Thời gian đầu, đồng vốn nhỏ, ông thuê một mặt bằng chỉ rộng vài mét vuông, vợ ông bán tại tiệm, còn ông đi bán đồ nhựa dạo khắp các tuyến đường.

Với tính siêng năng, chăm chỉ, không bao lâu vợ chồng ông đã tích lũy được số vốn nho nhỏ. Có vốn, ông mạnh dạn học hỏi thêm về sản xuất inox, để mở rộng việc sản xuất kinh doanh. Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, hàng hóa được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng. Trải qua nhiều năm vất vả, từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông Kiệt không chỉ là chủ cửa hàng bán lẻ đồ nhựa, inox, mà còn là chủ công ty chuyên sản xuất inox, phân phối nhựa gia dụng có tiếng ở thành phố Ngã Bảy, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 150.000 đến 270.000 đồng/người/ngày. Ông Kiệt chia sẻ: “Công ty có rất nhiều việc để công nhân làm, nếu ai khéo tay, học hỏi nhanh thì làm thợ, còn không thì khuân hàng, dọn dẹp kho. Tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, để mọi người có việc làm, thu nhập ổn định”.

Anh Đinh Văn Tiến, làm công cho ông Kiệt, cho biết: “Tôi làm ở đây cũng được 4 năm. Công việc của tôi là sắp xếp đồ đạc trong kho, mỗi ngày cũng được 170.000 đồng. Không chỉ có tôi mà vợ tôi cũng vào làm ở đây, chú Kiệt đối xử với mọi người rất tử tế, thân thiện”.

Sản phẩm nhựa, inox của ông được nhiều cửa hàng ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng với số lượng lớn. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm việc kinh doanh của ông lãi hơn 1 tỉ đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông ngày càng khá giả, có của để dành và có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định.

Khó khăn không lùi bước, gian nan không nản lòng, với những cống hiến trong thời chiến lẫn thời bình, cộng với tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, ông Kiệt đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và địa phương. Không tự mãn với những gì đã đạt được, ông Kiệt cho biết thêm: “Với điều kiện và sức khỏe cho phép tôi sẽ tích cực ra sức chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đồng thời, sẽ dành nhiều thời gian góp phần cùng địa phương tham gia công tác xã hội, để xứng đáng truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ””.

Xế chiều, ông Kiệt lại tiếp tục kiểm tra hàng hóa trên xe để giao hàng cho khách. Nhìn ông cẩn thận, dặn dò từng công nhân lại thấy ấm áp với tấm lòng đối đãi với người làm của ông và càng khâm phục ý chí vươn lên của người thương binh giàu nghị lực này.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>