Sản phẩm “độc” từ tăm tre của chàng sinh viên

28/08/2018 | 14:18 GMT+7

Bắt đầu từ món quà tự làm tặng bạn gái, được nhiều bạn bè thích thú, hỏi mua, chàng trai Nguyễn Thanh Xuyên, sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ mạnh dạn nghiên cứu, làm thêm nhiều sản phẩm handmade từ tăm tre để bán. Sản phẩm ngày càng sắc sảo, khách hàng gần xa dần biết tiếng...

Thanh Xuyên giới thiệu sản phẩm tự làm từ tăm tre.

Có khiếu thẩm mỹ, khi học THPT, Xuyên thích vẽ chân dung các bạn rồi tự mày mò làm thử mô hình trường học bằng tăm tre để trưng bày tại trường. Khi đó, với Xuyên, ngôi trường bằng tăm tre này chỉ đơn giản là món đồ chơi, tự làm để thỏa mãn sở thích tìm tòi, sáng tạo của bản thân. Từ sản phẩm đầu tiên khá đơn giản, các chi tiết chưa trau chuốt, càng về sau, các sản phẩm tăm tre của Xuyên càng tinh tế, sắc sảo. Từ những chi tiết trong ngôi nhà như cánh cửa sổ, cầu thang có tay vịn, ban công, hay cả những chi tiết nội thất bên trong như bàn, ghế, đèn ngủ, quạt trần… đều mô phỏng đúng tỷ lệ so với nguyên bản.

Xuyên cho biết: “Để đặt hàng, khách có thể gợi ý hình dáng căn nhà hoặc một mẫu vật bất kỳ muốn mô phỏng bằng tăm tre. Hoặc kỹ hơn, khách chụp 4 phía mẫu vật để tôi có thể mô phỏng chính xác nhất”. Đặc biệt, Xuyên có thể lắp đường điện, gắn đèn từng phòng trong nhà, hoặc đưa nước vào nhà. Tùy sản phẩm có mức độ mô phỏng càng chi tiết, đẹp và kích thước càng lớn, thời gian làm càng lâu. Như sản phẩm có kích thước 30cm x 30cm, Xuyên có thể làm trong 1 ngày. Ngoài nguyên liệu chính là tăm tre, que kem…, còn có các dụng cụ: dao mổ y tế, mũi khoan mini, máy khắc chữ, cưa, keo 502, keo sữa, keo silicone, bìa cứng, sơn chống mốc… Một số nguyên liệu làm phụ kiện trang trí như: sỏi, bột cỏ, vải nỉ màu, giấy lụa,… Tùy ý tưởng thiết kế Xuyên sẽ sử dụng các loại nguyên liệu, phụ liệu khác nhau. Xuyên rất xem trọng ý tưởng khách hàng và tính sáng tạo từng sản phẩm. Xuyên cho biết: “Tôi không lưu lại hình ảnh, kiểu dáng sản phẩm đã bán cho khách nên các sản phẩm bán ra đều khác biệt”.

Trung bình mỗi tuần Xuyên bán 1 sản phẩm. Những ngày lễ 8-3, 20-10 hoặc Valentine, khách đặt hàng nhiều hơn so với ngày thường. Tùy kiểu dáng, kích thước, mức chi tiết, giá mỗi nhà tăm dao động từ 100.000 đồng-400.000 đồng. “Tuy sản phẩm bán ra chưa nhiều nhưng giúp tôi thêm tiền trang trải chi phí, thỏa mãn đam mê. Tôi sẽ mày mò làm thêm nhiều sản phẩm khác từ tăm tre”- Xuyên chia sẻ. Qua mạng xã hội, Xuyên đăng bán sản phẩm handmade và hiện nay, sản phẩm từ tăm tre của Xuyên được giao cho khách các tỉnh lân cận: An Giang, Đồng Tháp và xa hơn là Hà Nội, Phú Yên.

Các sản phẩm làm từ tăm tre đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên trì rèn luyện các thao tác, vì thế, nhìn có vẻ đơn giản nhưng ít người đam mê và gắn bó. Vài bạn sinh viên được Xuyên tận tình chia sẻ cách làm sản phẩm từ tăm tre nhưng chưa ai chịu khó làm thuần thục những chi tiết khó trong các sản phẩm. Xuyên kể: “Sản phẩm đầu tiên tôi làm là ngôi nhà kích thước khoảng 34cm2, hơn 10 ngày mới xong, bán được 200.000 đồng. Khi đó, tôi tiếc không nỡ bán vì tốn công quá nhiều so với số tiền nhận được. Tuy nhiên, tôi chịu khó làm, tự nghiên cứu, rút kinh nghiệm dần, nên làm nhanh hơn, đẹp hơn. Ngoài nhà tăm, tôi làm thêm nhiều sản phẩm lưu niệm khác như xe đạp, trái tim, chậu hoa, cây đàn... Đến giờ, tôi có thể tự tin mô phỏng bất kỳ vật dụng nào từ tăm tre và sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm thêm nhiều vật phẩm lưu niệm mới lạ từ các nguyên liệu khác”.

Theo MINH AN – Báo Cần Thơ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>