Sớm cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức

21/12/2017 | 10:46 GMT+7

Tiền lương, tiền công, phụ cấp và thu nhập của CB, CC, VC vẫn chưa tạo được động lực, nhất là đối với người có năng lực, trình độ cao, chuyên tâm cống hiến hết mình trong công việc...

Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về thực trạng chính sách tiền lương, tiền công của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) thì chính sách tiền lương trong những năm qua đã góp phần để CB, CC, VC cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, tiền lương, tiền công, phụ cấp và thu nhập của CB, CC, VC vẫn chưa tạo được động lực, nhất là đối với người có năng lực, trình độ cao, chuyên tâm cống hiến hết mình trong công việc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" cũng đánh giá chính sách tiền lương còn bất cập.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công mới đây, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định: Tiền công, tiền lương của CB, CC, VC vẫn đang ở mức thấp so với khu vực ngoài Nhà nước, chưa bảo đảm cho họ và gia đình có mức sống tối thiểu. Tiền lương của CB, CC, VC chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong lao động, nhất là những chuyên gia hàng đầu của đất nước, của từng ngành, từng địa phương và đơn vị.

Từ nhận định trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi liên hệ tìm hiểu ở một số địa phương. Không ít công chức tỏ ra băn khoăn, trăn trở vì thu nhập từ lương còn thấp, khiến họ phải tằn tiện trong cuộc sống, nhất là đội ngũ công chức, viên chức ở cơ sở, như trường hợp của chị Bùi Thị Phương Nhài, Bí thư Đoàn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định). Năm 2016, chị Nhài được vào biên chế, lương và tiền trách nhiệm khoảng 4 triệu đồng/tháng, lại nuôi con nhỏ nên cuộc sống gặp không ít khó khăn.

Theo đồng chí Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên gấp 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn thấp. So với lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố áp dụng năm 2018 thì mức tiền lương cơ sở của CB, CC, VC mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Nếu so với thang lương, bảng lương áp dụng cho CB, CC, VC giai đoạn 1986-1993 thì cách xây dựng thang lương, bảng lương giai đoạn từ năm 2004 trở lại đây không khác nhiều về bản chất, đó là tiền lương được xác lập trước và cố định. Cụ thể: Thang lương vẫn được xây dựng theo nguyên tắc tối thiểu-trung bình-tối đa, theo hệ thống ngạch, bậc cố định, được điều chỉnh tăng, giảm khoảng cách qua từng thời kỳ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi và nhận định của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay thang lương, bảng lương của CB, CC, VC có hệ thống ngạch, bậc nhiều, nâng lương theo tiêu chí định sẵn dựa trên bằng cấp, chứng chỉ, thâm niên, chức vụ… Do đó, tiền lương theo thang lương, bảng lương trả cho CB, CC, VC được xác lập theo khung cố định mang tính chủ quan, chưa gắn với số lượng, chất lượng công việc; chưa gắn với thực tế giá trị sức lao động và tốc độ tăng giá của hàng hóa trên thị trường. Cùng với đó, thu nhập ngoài lương của CB, CC, VC, gồm: Bồi dưỡng hội nghị, làm thêm giờ, nghiên cứu văn bản, khoán chi hành chính, hỗ trợ ăn trưa và các khoản thưởng lễ, Tết… dù tăng thêm một phần thu nhập, nhưng không mang tính thường xuyên.

Từ thực tế đó, theo kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam với các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng cần xác định lại mức lương cơ sở cho đúng và đủ trong khu vực Nhà nước, phù hợp với thị trường lao động; đồng thời xác định các nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương; xem xét giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương ở từng cơ quan, đơn vị, bộ phận. Về lâu dài, Chính phủ và các ngành cần thiết kế lại thang lương, bảng lương cho CB, CC, VC theo hướng: Ngạch lương thiết kế theo 4 cấp hành chính, từ cấp xã đến cấp Trung ương; thiết kế bậc lương cứng và bậc lương linh hoạt ở mỗi cấp hành chính. Phụ cấp trách nhiệm, khu vực, ngành nghề cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương... Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm đời sống cho CB, CC, VC, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, giảm phiền hà, tiêu cực và triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo PHẠM THU HẰNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>