Thiếu lao động nông thôn

19/10/2017 | 08:01 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước, tuy nhiên thời gian gần đây tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra gay gắt. Điều này làm cho tiến độ thu hoạch các mặt hàng nông sản của nông dân bị chậm, làm ảnh hưởng đến việc chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...

Lao động nông nghiệp ở ĐBSCL ngày càng thiếu hụt.

Đau đầu chuyện thiếu nhân công lao động

Tháng 10, nước lũ từ thượng nguồn chảy mạnh về các vùng cuối nguồn thuộc Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang… cũng là lúc nhiều nông dân trồng cây ăn trái, canh tác rau màu, nuôi thủy sản… khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ. Ông Phạm Văn Lành, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Từ khi nghe Đài khí tượng thủy văn Nam bộ thông báo năm nay nước lũ về nhiều hơn mấy năm trước khiến nhà vườn khá lo. Vùng này chuyên canh tác quýt hồng đặc sản, tuy nhiên cây quýt hồng không thích nghi được với điều kiện bị ngập lũ. Do đó, vấn đề quan trọng là chạy đi thuê lao động chở đất để gia cố đê bao chống lũ, bảo vệ vườn quýt. Công lao động chở đất khá cao từ 300.000-400.000 đồng/ngày, nhưng vẫn thiếu người làm”. Tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long), nơi có vùng trồng rau màu khoảng 19.000ha mỗi năm, thuộc dạng lớn nhất ở ĐBSCL; trong đó rau màu mùa lũ là thế mạnh của nông dân Bình Tân. Song, vấn đề trăn trở của người trồng màu là thiếu nhân công lao động. Bà Phạm Thị Bảy, ở xã Tân Quới, huyện Bình Tân, nhìn nhận: “Những lúc rau màu có giá nên nhiều hộ cùng sản xuất và chuyện thuê mướn lao động rất khó, do thiếu nhân công. Có khi phải chạy sang các xã xung quanh cách 5-7km để thuê lao động, mà cũng không có người làm”.

Đau đầu nhất về tình cảnh thiếu hụt lao động nông nghiệp là ở các vùng trồng mía Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) canh tác hơn 7.000ha mía và là nơi thu hoạch sớm nhất ở ĐBSCL. Thông thường giá thuê nhân công đốn mía dao động khoảng 150.000-180.000 đồng/tấn (1ha mía có năng suất khoảng 150 tấn). Thế nhưng, khi vào tháng 10 đến tháng 12 là các xã trong huyện Phụng Hiệp đều thu hoạch rộ và nạn thiếu nhân công đốn mía diễn ra trầm trọng. Lúc này, giá thuê công đốn mía tăng vọt lên từ 220.000- 250.000 đồng/tấn trở lên mà vẫn chưa thể thuê được người, dù ai cũng chạy đôn chạy đáo “đặt cọc” thuê trước cả tháng. Ông Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thừa nhận: “Xã có 1.600ha mía và đây là kinh tế chính của nông dân. Dù vậy, nhân công lao động nghề mía càng lúc càng thiếu hụt; trong đó thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 10, cộng với nước lũ đổ về khiến bà con như ngồi trên lửa, bởi nhà nào cũng nóng ruột đốn mía chạy lũ. Khó khăn là vậy nhưng đành chịu, bởi bây giờ tìm nhân công thu hoạch mía vô cùng vất vả, dù công thu hoạch mỗi ngày tương đối cao khoảng 300.000 đồng/ngày, nhưng không có người làm”.

Nguyên nhân và giải pháp

Có thể nói, tình trạng thiếu nhân công lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa có giải pháp khắc phục, trong khi nạn thiếu càng lúc nhiều thêm. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: “Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 40.000ha mía nên mỗi năm cần khá nhiều lực lượng lao động, nhất là thời điểm tháng 10 đến tháng 12 (ở Hậu Giang); tháng 1 đến tháng 4 (ở Sóc Trăng) vào thu hoạch rộ vụ mía với diện tích lớn. Do thiếu nhân công thu hoạch mía đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các nhà máy, thường rơi vào cảnh bị động bởi không đủ sản lượng mía để hoạt động. Ngoài ra, nông dân bị kéo dài thời gian thu hoạch, cây mía bị “neo” trên đồng quá lâu sẽ làm giảm chất lượng… thiệt trăm bề”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu lao động trong nông nghiệp là do “làn sóng” thanh niên nam nữ trong tuổi lao động ào ạt rời quê để lên Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm thuê, làm công nhân trong khu công nghiệp… ngày càng nhiều. Có nhiều nơi ở vùng nông thôn chỉ còn người lớn tuổi ở lại trông trẻ nhỏ nên số lượng lao động tại các vùng quê ĐBSCL luôn thiếu hụt. “Lao động nông nghiệp ở nông thôn ĐBSCL bây giờ giá thuê tương đối cao từ 200.000 đồng/ngày trở lên, nhưng nhìn chung lại rơi vào dạng thời vụ, không thường xuyên; bình quân chỉ làm được 4-5 tháng/năm. Ngược lại, khi lên Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông thì họ có việc làm quanh năm và thu nhập ổn định. Nếu cả vợ chồng cùng đi làm công nhân ở Bình Dương thì mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng, trừ chi phí 50% họ vẫn còn dư 50%; tính ra ổn hơn ở quê làm thuê nông nghiệp”, ông Ngoan cho biết.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Do nhu cầu dịch chuyển lao động nên thời gian qua vùng ĐBSCL thiếu hụt lao động nông nghiệp khá lớn. Một trong những giải pháp khắc phục là tiến hành cơ giới hóa trên đồng ruộng nhằm giảm bớt lực lượng lao động tay chân. Song, vấn đề cơ giới hóa chỉ phát triển tương đối nhanh trong sản xuất và thu hoạch cây lúa; trong khi nhiều cây trồng khác thì chưa thực hiện nhiều được”. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã cơ giới hóa khâu trồng mía, vô chân mía, thu hoạch mía… nhưng thực tế ở ĐBSCL rất khó cơ giới hóa cây mía bởi quá nhiều kênh mương và diện tích canh tác manh mún.

“Đã nhiều cuộc hội nghị tôi nêu ý kiến về việc cần xây dựng mô hình “khu vườn mẫu lớn” cho cây ăn trái, bởi cây lúa đã có “cánh đồng mẫu lớn” thì vườn cây cũng nên nghiên cứu làm theo nhằm canh tác theo hướng hiện đại và giảm lực lượng lao động phổ thông. Làm được điều này, các địa phương cần chọn ra loại cây thế mạnh, quy hoạch lại những khu vườn chuyên canh - diện tích lớn, nông dân liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ… Có như vậy sẽ nâng được chất lượng và năng suất cây ăn trái; đồng thời đảm bảo sản lượng để xuất khẩu quanh năm”, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đề nghị.

Trong lúc các địa phương loay hoay về cơ giới hóa nhằm giảm bớt lực lượng lao động nông nghiệp, thì ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, An Giang… đã hình thành nên những “tổ hợp tác, hợp tác xã, tập đoàn…” chuyên làm thuê nông nghiệp. Tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), mấy năm nay xuất hiện mô hình “Tổ dịch vụ làm lúa thuê”. Theo đó, tổ dịch vụ quy tụ hàng chục nông dân có phương tiện sản xuất như máy xới, máy bơm, máy cắt lúa… và một số lao động rành về nông nghiệp cùng tham gia. Tổ dịch vụ sẽ nhận làm thuê đất lúa cho tất cả nông dân trong xã từ làm đất, gieo sạ, bón phân, thu hoạch, vận chuyển… với giá thấp hơn bên ngoài khoảng 20%; đồng thời cam kết về chất lượng lao động. Nhờ đó, mà nông dân xã Mỹ Lộc sản xuất hơn 1.200ha lúa an tâm không sợ thiếu lao động nông nghiệp.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>