Trao niềm tin cho người khuyết tật, tâm thần kinh

20/09/2017 | 08:33 GMT+7

Nhìn những chiếc giỏ xách hay chiếc sọt được đan bằng dây nhựa khá bắt mắt, ít ai nghĩ rằng đó là sản phẩm của những người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần kinh. Để có được thành quả đó là cả sự cố gắng của những người dạy nghề...

Học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật vui mừng khi được học nghề.

Vui vì được học nghề và dạy nghề

Đến Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh những ngày này, mọi người hay bắt gặp hình ảnh một số học sinh ở trường tích cực ngồi đan dây nhựa, làm lồng đèn giấy. Các em đã học nghề khoảng 10 ngày nay, dù bị khuyết tật, nhưng ai nấy luôn cố gắng, nỗ lực để học nghề. Ngoài sự tích cực của người học, các giáo viên cũng luôn quan tâm, hướng dẫn, chỉ dạy tận tình. Bà Lê Thị Ngọc Hai, giáo viên dạy nghề (Hợp tác xã Thanh Tú - đơn vị đào tạo), cho biết: “Đối với các học viên ở trường thì giáo viên phải có tính kiên trì, nhẫn nại, bởi giao tiếp với các em rất khó phải nhờ thầy cô giáo ở trường trợ giúp. Qua vài ngày giảng dạy, chúng tôi cũng quen và phần nào hiểu được cách giao tiếp với các em, từ đó việc giảng dạy cũng thuận lợi hơn. Trong quá trình dạy, chúng tôi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình, cụ thể. Dù tốn thời gian hơn, nhưng lúc nhìn các em phấn khởi khi hoàn thành một sản phẩm ai nấy đều thấy vui lòng”.

Cầm trên tay chiếc giỏ xách vừa mới đan xong, em Thái Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 5 ở trường vui mừng, tự hào khoe với mọi người. Qua ngôn ngữ ký hiệu, Mỹ Duyên cho biết: “Lúc đầu, tụi em học đan cũng khó lắm, nhờ các giáo viên tận tâm hướng dẫn, giờ đây chúng em biết cách đan giỏ xách bằng dây nhựa và làm lồng đèn bằng giấy. Hy vọng, với nghề này, tụi em sẽ kiếm được thu nhập để lo cho bản thân. Với người khuyết tật như chúng em khi tự tay làm ra tiền, không chỉ em mà các bạn ở đây ai nấy đều rất vui”.

Ngoài Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, một số học viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng được học nghề đan dây nhựa. Với những học viên ở trung tâm, việc được học nghề cứ ngỡ trong mơ. Theo ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, mặc dù tinh thần không ổn định (trung tâm hiện chăm sóc và nuôi dưỡng 150 người bệnh tâm thần kinh, lang thang), nhưng với sự giúp đỡ của giáo viên, các học viên ở trung tâm đã nỗ lực rất nhiều. Việc tự mình làm được một sản phẩm không chỉ giúp học viên có được thu nhập, mà quan trọng là sự động viên về mặt tinh thần, bởi từ đây họ không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Gửi trao hy vọng !

Lớp học nghề đan dây nhựa ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thành Đạt bao tiêu sản phẩm. Do đó, sản phẩm các học viên làm ra không sợ bị tồn đọng, với lại những học viên sau khi sức khỏe ổn định trở về với mái ấm gia đình cũng được phía trung tâm thu mua sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ DNTN Thành Đạt, cho biết: “Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy cho những học viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh càng khó hơn rất nhiều, nếu không có sự chia sẻ, đồng cảm với những học viên nơi đây. Quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội, trao hy vọng cho người không may mắc bệnh tâm thần có thêm cơ hội để hòa nhập cộng đồng, nên chúng tôi quyết định đào tạo và bao tiêu sản phẩm cho học viên ở đây”.

Còn sản phẩm của học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh được Hợp tác xã Thanh Tú, huyện Vị Thủy thu mua. Thời gian qua, việc tạo việc làm và giúp người khuyết tật, người tâm thần kinh sống được bằng nghề đã học là chuyện không dễ dàng. Chính vì vậy, khi có được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm đã mở ra cơ hội, hy vọng về một cuộc sống ổn định cho những đối tượng yếu thế này. Em Trương Thành Nghĩa, học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, chia sẻ: “Em hy vọng các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để học sinh khuyết tật như chúng em được học nghề và có được việc làm nhằm phát huy được nghề đã học”…

Những lớp dạy nghề cho người khuyết tật, tâm thần kinh thể hiện được tinh thần nhân văn, giúp người khuyết tật, người tâm thần kinh thêm tự tin, khẳng định giá trị bản thân và hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh có trên 9.700 người khuyết tật. Trong đó, khuyết tật vận động có trên 5.700 người, khuyết tật nghe nói trên 1.400 người, khuyết tật nhìn trên 1.000 người, trên 1.600 người bị khuyết tật thần kinh… Ông Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, cho biết: “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng những đối tượng yếu thế tiếp tục đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Khi ấy không chỉ trao “cần câu” để mọi người có nguồn thu nhập, mà qua đó còn góp phần tạo tâm lý lạc quan, vươn lên trong cuộc sống để họ hòa nhập với xã hội…”.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>