Vui, buồn nghề lái xe

18/04/2017 | 09:10 GMT+7

Họ đến với nghề lái xe bằng niềm đam mê, nhưng đằng sau mỗi chuyến xe đưa đón khách cũng có những chuyện buồn khó nói...

Anh Lư Văn Hiển, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đến với nghề không chỉ vì cuộc sống mưu sinh, mà còn vì đam mê với “xế hộp”.

Ngày nào cũng vậy, khi những tia nắng cuối ngày dần tắt đi cũng là lúc anh Lư Văn Hiển, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bắt đầu công việc của một người tài xế. Nhanh tay xách hành lý, mở cửa xe để đón khách đó là công việc đã trở thành công việc, gần như là thói quen của anh Hiển. Đến với nghề như một cơ duyên và từ niềm đam mê với “xế hộp”, anh tâm sự: “Ngay khi còn nhỏ, tui đã mê xe rồi, mấy món đồ chơi yêu thích thường là các loại xe thôi. Khi lớn cảm thấy mình rất thích nghề lái xe, nên tui mới mạnh dạn xin gia đình cho theo học. Tính đến nay, cũng đã gắn bó với nghề này hơn 8 năm rồi”. Lúc mới bắt đầu theo nghề lái xe, anh Hiển chủ yếu chạy taxi, nhưng gần 3 năm nay anh đã chuyển sang lái xe khách 16 và 30 chỗ, tuyến đi Vị Thanh - Sài Gòn và ngược lại.

Công việc của người tài xế này thường bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm và từ 6 giờ sáng của ngày hôm sau đến 12 giờ trưa. Mỗi chuyến đi như vậy, anh được trả tiền công từ 350.000-500.000 đồng, tùy thuộc vào lái xe lớn hay xe nhỏ. Ngoài lái xe khách, khi nào ai có nhu cầu muốn thuê xe đi du lịch ở các tỉnh anh cũng nhận chạy hợp đồng. “Làm nghề này, mình phải có sức khỏe tốt mới chịu nổi, chứ toàn phải thức đêm. Hiện nay, do có nhiều hãng xe nên để thu hút khách, ngoài đưa ra nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng mình còn phải ăn nói nhỏ nhẹ để làm hài lòng khách, tạo lòng tin cho khách nữa”, anh Hiển chia sẻ thêm.

Cũng đến với nghề lái xe bằng niềm say mê, hơn 11 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Thanh Hồ, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, như thấm thía hơn từng niềm vui, nỗi buồn của nghề. Anh Hồ bộc bạch: “Đời tài xế có lắm chuyện vui buồn. Vui vì sau mỗi chuyến xe an toàn đi đến nơi về đến chốn, chúng tôi làm hài lòng hành khách, nhưng cũng buồn vì đôi khi gặp phải những vị khách khó tính hay cằn nhằn về mấy cái lặt vặt”. Hơn chục năm gắn bó với nghề, hàng ngày đều đưa, đón khách ở khắp các tỉnh, đối với các bác tài mỗi tuyến đường đều trở nên quen thuộc. Rồi khi kết thúc mỗi hành trình, hình ảnh những “bác tài” ngồi sau tay lái cùng sự tận tình với hành khách sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng mỗi hành khách và cả những nơi họ đã đi qua.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, nhu cầu đi lại của mọi người cũng ngày càng nhiều hơn, vì vậy đã giúp cho loại hình xe khách phát triển mạnh. Bên cạnh đó, cũng giúp cho nhiều bác tài xế có được việc làm và thu nhập ổn định. Hiện nay, các loại ô tô chất lượng cao đang tăng nhanh, nên tính cạnh tranh trong việc kinh doanh xe ngày càng gay gắt. Vì vậy, người thuê xe cũng bắt đầu khó tính hơn trong việc lựa chọn xe làm sao cho xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Điều đó, cũng bắt buộc các nhà xe phải nâng cao chất lượng phục vụ. Theo đó, cách đón rước, phục vụ hành khách phải ân cần, niềm nở, vui vẻ, nhẫn nại là yếu tố rất quan trọng khi đến với nghề này, đặc biệt là lúc gặp những khách hàng khó tính. 

Khi hỏi nghề lái xe cực hay sướng, vì chỉ có ngồi và lái xe thôi, nhiều bác tài chỉ mỉm cười nói vất vả lắm, nghề này cũng giống như làm dâu trăm họ. Không phải khách nào cũng dễ tính, vì vậy trong suốt hành trình, ngoài đảm bảo an toàn còn phải làm hài lòng khách hàng là việc không hề đơn giản. Với đam mê được đi đó, đi đây mà anh Tuấn Anh, ở phường III, thành phố Vị Thanh, dù từng học đại học, nhưng sau khi tốt nghiệp anh đã không đi làm mà lại chọn học và gắn bó với nghề lái xe. Anh Tuấn Anh cho hay: “Làm nghề này, thích nhất là mình được đi nhiều nơi. Công việc này cực lắm, thời gian làm việc có khi cũng không cố định. Đặc biệt, nhiều lúc còn phải đối mặt với những tuyến đường nguy hiểm nên đôi khi bác tài chúng tôi cũng lo lắng lắm. Cả chặng đường chở khách có khi cả trăm cây số, mình phải biết nói chuyện, hỏi thăm này kia, để tạo sự cảm mến với khách, chứ đâu phải gọi là tài xế lên xe chạy một mạch tới nơi rồi xuống lấy tiền đâu”. So với các công việc khác, nghề lái xe luôn phải đi nhiều nên cũng ít có thời gian ở bên gia đình nhất là vào các ngày lễ, tết. Bởi thế, sự thông cảm từ gia đình đã giúp các anh vững vàng tay lái hơn trên mỗi tuyến đường. 

Ở Hậu Giang, nghề lái xe đã dần phát triển, số người đi học ngày một nhiều và nghề cho thuê xe bốn bánh cũng bắt đầu ăn nên làm ra. “Bác tài” thì nhiều, nhưng không phải ai cũng được nhiều khách hàng lựa chọn, mọi người bảo đó là cái duyên với nghề…

Sau những chuyến xe đưa đón khách khi trở về nhà, các “bác tài” sẽ thấy ấm lòng hơn khi vất vả mưu sinh của họ được bù đắp bằng bữa cơm ấm áp bên gia đình, người thân!

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>