Đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực

10/01/2018 | 14:22 GMT+7

Thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (cuộc vận động) tiếp tục được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện sôi nổi trong năm 2017. Đến cuối năm, toàn tỉnh có 22/54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12/22 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Kết quả này có sự đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Trong đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30 ngày 15-5-2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động; chủ động xây dựng và ký Chương trình phối hợp với UBND tỉnh về việc “Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với giảm nghèo bền vững”; lồng ghép các kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện; ký và ban hành kế hoạch hiệp thương với các đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện cuộc vận động. Đến ngày 18-11-2017, hơn 50% khu dân cư trong tỉnh đã ký hiệp thương, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên về việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ.

Thực hiện Hướng dẫn 78 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,  UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh, trực tiếp là Ban điều phối xây dựng nông thôn mới hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Số hộ được hỏi chiếm 65% trên tổng số hộ dân của 10 xã. Kết quả, câu 17 về mức độ hài lòng với chất lượng chung của xã nông thôn mới đạt tỷ lệ trên 99%; từ câu 1 đến câu 16 đạt từ 92-99%. Có 3 nội dung người dân không hài lòng còn cao là chất lượng giảm nghèo đa chiều (6,47% không hài lòng), môi trường sống (khoảng 7% chưa hài lòng), bảo hiểm y tế (gần 8% chưa hài lòng). Sau khảo sát, MTTQ tỉnh phối hợp với các đoàn thể và Bảo hiểm xã hội tỉnh, các ngành liên quan tiến hành giám sát việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân tại 4 xã; giám sát chất lượng giảm nghèo đa chiều tại huyện Phụng Hiệp; giám sát quản lý nhà nước về môi trường trong chăn nuôi tại 4 xã. Sau giám sát sẽ có kiến nghị và phối hợp giải quyết các vấn đề đặt ra.

Thực hiện Chương trình 90 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ, MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch với UBND tỉnh. Sau đó tiến hành tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai tới xã, phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ mặt trận và các đoàn thể tận khu dân cư; tổ chức mít-tinh phát động, có xe cổ động, loa phóng thanh tuyên truyền cả chiều sâu lẫn chiều rộng; có 33.000 hộ đăng ký cam kết sản xuất, buôn bán thực phẩm rõ nguồn gốc, an toàn cho người tiêu dùng (chiếm 90% hộ kinh doanh; 70% hộ sản xuất). MTTQ còn tham gia vận động và phối hợp xây dựng 18 điểm sản xuất hơn 30 loại rau quả theo quy trình an toàn (có kiểm định của ngành nông nghiệp, ngành y tế); phối hợp hỗ trợ mở 2 điểm bán thực phẩm an toàn; thành lập 4 hợp tác xã sản xuất, thu gom, cung ứng rau, quả an toàn.

Việc thu các nguồn quỹ đạt kết quả tích cực. Cụ thể, Quỹ vì người nghèo và An sinh phúc lợi xã hội được hơn 264 tỉ đồng; Quỹ đền ơn đáp nghĩa 1,95 tỉ đồng; Quỹ cứu trợ thiên tai 3,7 tỉ đồng (Hậu Giang đã gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 2,5 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc bị thiên tai). Tất cả các nguồn quỹ đều có Ban vận động, Ban quản lý, có quy chế thu, chi, có sổ sách theo dõi chặt chẽ đảm bảo đúng các quy định. Thực hiện cuộc vận động, năm 2017, Hậu Giang xây dựng 21 mô hình mới, nhân rộng 26 mô hình. Trong đó có những mô hình đột phá như mô hình “Xã hội hóa kinh phí khen thưởng Nhân dân tại những xã nông thôn mới”; mô hình “Khu dân cư không hộ nghèo” đã triển khai thực hiện hiệu quả tại 30 khu dân cư, có 1 phường (phường I, thành phố Vị Thanh) không còn hộ nghèo; mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”; các mô hình kinh tế hộ và tổ liên kết sản xuất… Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo để hiệu quả các nội dung của cuộc vận động cao hơn.

Năm 2018, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy; Chương trình phối hợp số 04 giữa MTTQ và UBND tỉnh; Kế hoạch hiệp thương với các tổ chức thành viên về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với giảm nghèo bền vững” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đảm bảo đúng chủ trương và phù hợp tình hình ở địa phương. Chọn điểm chỉ đạo đột phá thực hiện nội dung “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” với mục tiêu 100% khu dân cư có kế hoạch liên tịch giữa Ban công tác mặt trận, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các tôn giáo trên địa bàn về việc phân công trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ. Tiếp tục phát huy các mô hình đạt hiệu quả cao gắn với các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiến hành lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới và tổ chức giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện nhằm tăng cường sự đồng thuận trong dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>