Đồng bào Công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”

26/09/2018 | 08:04 GMT+7

Nhiều đại biểu tham dự Đại hội đại biểu người công giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ VI (2018-2023) mới đây, rất ấn tượng với kết quả mà đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã đóng góp để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiều cây cầu bê tông ở xã Vĩnh Thuận Tây do đồng bào Công giáo đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng.

Chỉ tay về phía cây cầu bê tông ở gần nhà mình, bà Bùi Diễm Châu, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, nói: “Cầu này trước đây làm bằng cây, trời mưa là xe máy khỏi chạy qua, bởi chỉ cần trượt bánh là té xuống sông như chơi. Nay đã được xây mới bằng bê tông nên cả xóm tôi ai cũng vui mừng”.

Cầu rộng 2m, dài hơn 10m, với kinh phí xây dựng khoảng 30 triệu đồng. Gia đình bà Châu và nhiều hộ gia đình theo đạo Công giáo ở ấp đóng góp được 9 triệu đồng, số tiền còn lại do linh mục nhà thờ Xavie hỗ trợ.

Ông Võ Văn Dữ, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Họ đạo Xavie ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, người đã tích cực góp công, góp của để xây dựng cầu này, chia sẻ: “Thấy cầu khỉ đi lại khó khăn nên chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã vận động bà con trong họ đạo đóng góp kinh phí để xây cầu mới. Ngoài góp tiền, một số người còn đóng góp ngày công lao động. Cả xóm đạo như rộn vang tiếng cười khi có cầu mới qua lại dễ dàng”.

Không chỉ ở ấp 4, nhiều cầu khác ở xã Vĩnh Thuận Tây được xây dựng kiên cố, vững chãi nhờ sự chung tay của đồng bào Công giáo. Hình ảnh cầu khỉ từng gần gũi với người dân ở những xóm đạo của xã Vĩnh Thuận Tây giờ đã được thay bằng cầu bê tông. Nhiều người đã quen đi cầu khỉ trước kia lại cảm thấy nhớ khi nó không còn, nhưng đổi lại họ rất hài lòng vì từ nay con em của mình có thể đến trường mà không còn sợ té sông.

Ông Đoàn Khải Linh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: “Trên địa bàn xã có 2 nhà thờ đạo Công giáo là nhà thờ Xavie ở ấp 4 và nhà thờ Vịnh Chèo ở ấp 3. Đồng bào theo đạo Công giáo ở địa phương luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Thấy cầu khỉ đi lại khó khăn nên bà con cùng nhau đóng góp tiền, công sức để xây dựng cầu mới. Chính quyền địa phương cũng hết lòng ủng hộ việc làm này và tích cực phối hợp cùng những người có uy tín ở họ đạo trong khâu tuyên truyền, vận động và triển khai, thực hiện”.

Câu chuyện ở Vĩnh Thuận Tây đã thể hiện rõ nét tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” nói chung của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Ủy ban đoàn kết công giáo (UBĐKCG) Việt Nam tỉnh, những năm qua, đồng bào Công giáo ngày càng khẳng định quyết tâm của mình là đồng hành cùng sự phát triển của quê hương. Nổi bật là xây dựng gần 300 căn nhà tình thương cho người nghèo từ các xứ đạo trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, cha sở một số họ đạo còn vận động các nhà hảo tâm từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống giúp đỡ quần áo, cặp sách, mì gói, bột ngọt và khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hộ nghèo…

Đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, nhiều họ đạo, gia đình có đạo đã tích cực thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, xây dựng gia đình văn hóa. Từ đó, 100% gia đình công giáo hưởng ứng đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Mặt khác, một số nhà thờ còn tổ chức các điểm vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, như xây dựng sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, phòng đọc sách, phòng học đàn…

Ngoài ra, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thể hiện rõ nhất là ở những họ đạo có giáo dân sống tập trung thì hầu như không có tệ nạn xã hội. Nhiều họ đạo như: Trà Lồng, Kinh Đức Bà, Phụng Tường, Cái Nhum, Vịnh Chèo… đã được công nhận là “Xóm đạo bình yên”, “Khu vực văn hóa an toàn”.

Đánh giá cao những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo và hoạt động UBĐKCG Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ qua, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, mong muốn trong thời gian tới đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để ngày càng có nhiều giáo xứ, đồng bào họ đạo là những gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh. Cần tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Theo báo cáo, toàn tỉnh có 35.484 giáo dân đang sinh sống và sinh hoạt ở 27 nhà thờ, nhà nguyện, dưới sự coi sóc của 33 linh mục. Bà con giáo dân trong tỉnh rất tích cực phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực, hầu hết đều có việc làm ổn định. Hộ khá, giàu chiếm 22%, hộ trung bình chiếm 75%, hộ nghèo giảm còn 3%.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>