Góp sức vào sự phát triển tỉnh nhà

12/12/2018 | 08:05 GMT+7

Năm 2018, những người làm công tác Mặt trận tỉnh nhà có nhiều niềm vui xen lẫn sự tự hào vì đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm được giao.

Cuối tháng 11 vừa qua, Đoàn kiểm tra công tác Mặt trận của Cụm thi đua các tỉnh Nam sông Hậu có buổi làm việc với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra toàn diện công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh năm 2018.

Qua làm việc, thành viên Đoàn kiểm tra cho rằng, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời cho biết đã học được nhiều kinh nghiệm hay từ những mô hình, cách làm mới mang lại hiệu quả cao của Mặt trận Hậu Giang.  

Quang cảnh một buổi tuyên truyền theo mô hình “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực”.

Nhiều cách làm sáng tạo

Điều ấn tượng nhất với ông Danh Phúc, Trưởng đoàn kiểm tra, là Mặt trận các cấp trên địa bàn đã triển khai xây dựng mới, nhân rộng 83 mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. Trong đó có mô hình đăng ký đột phá với Tỉnh ủy là “Giảm nghèo bền vững trong đồng bào các tôn giáo” (136 hộ là tín đồ được các tôn giáo hỗ trợ thoát nghèo hoặc thoát cận nghèo trong năm).

Năm 2018, Mặt trận Hậu Giang còn chọn điểm triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững cho hơn 160 hộ cận nghèo và hộ nghèo có điều kiện sản xuất bằng hình thức cho mượn vốn, cây, con xoay vòng. Kết quả, mô hình này có 52 hộ ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn lên.

Mặt trận các cấp trong tỉnh còn thực hiện mô hình xây dựng nhà đại đoàn kết theo hình thức “3 chung”. Theo đó, ngoài được hỗ trợ 25 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo, mỗi hộ dân còn được vay 25 triệu đồng theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ… Từ cách làm này đã có 60 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng cho hộ khó khăn về nhà ở.

Nói về mô hình trên, ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhiều nhà đại đoàn kết do MTTQ các cấp hỗ trợ đã góp phần quan trọng giúp xã thực hiện đạt tiêu chí về nhà ở và hộ nghèo của xã NTM”.

Nếu lãnh đạo xã Phương Bình vui một thì có lẽ những người trực tiếp thụ hưởng phấn khởi tới mười, bởi các căn nhà đại đoàn kết đã mang lại niềm hy vọng mới cho cuộc sống của họ…

Không có đất canh tác và phải nuôi 3 con nhỏ nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình ông Nguyễn Hồng Nhẫn, ở ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, nhiều năm nay. Hàng ngày, vợ chồng ông phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học. Do đó, mong muốn có được căn nhà mới thay cho nhà bằng cây lá xiêu vẹo dường như vượt quá tầm tay của gia đình.

Khi nghe chính quyền địa phương thông báo sẽ hỗ trợ cho gia đình mình căn nhà đại đoàn kết thì ông Mẫn mừng khôn siết. Ngày dọn về nhà mới, lòng ông vui như… mở hội.

“Nhờ các cấp chính quyền quan tâm mà gia đình tôi có được căn nhà mới kiên cố. Ông bà mình hay nói “an cư lạc nghiệp” nên đây là nền tảng và là động lực để gia đình tôi cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo”, ông Nhẫn chia sẻ.

Với bà Khưu Đăng Phượng, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, thì ấn tượng nhất chính là UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã tổ chức đạt kết quả cao Hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” thời gian qua. “Để vận động các tổ chức tôn giáo xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp ở nơi thờ tự không phải dễ dàng, nhưng Hậu Giang đã làm được”, bà Phượng thừa nhận.

Được biết, từ hội thi này, 100% tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh có thông điệp và cam kết thực hiện chương trình “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”; hơn 90% chức sắc, chức việc và hơn 70% tín đồ các tôn giáo đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Từ đó, họ có hành động cụ thể trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và xây dựng cảnh quan sạch đẹp ở mỗi gia đình, trong khuôn viên cơ sở thờ tự, trong cộng đồng dân cư.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ: “Hội thi ngày càng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ các tổ chức tôn giáo trong tỉnh. Đó là kết quả của cả một quá trình miệt mài, kiên trì trong công tác vận động của cán bộ Mặt trận các cấp”.

Còn trong thực hiện vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình An sinh phúc lợi xã hội, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã quan tâm đổi mới phương thức vận động và phát huy, sử dụng hiệu quả các nguồn vận động.

Kết quả trong năm đã phối hợp tổ chức vận động Quỹ “Vì người nghèo” và “Chương trình An sinh xã hội” hơn 60 tỉ đồng; xây dựng 675 căn nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 27 tỉ đồng và hàng trăm công trình dân sinh, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chưa kể là Mặt trận tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Đài PT&TH Hậu Giang tổ chức được 12 chương trình “Cảm thông và chia sẻ”, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ cho 12 cảnh đời đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Đây là chương trình được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao về tính hiệu quả, nhân văn.

Mặt trận các cấp đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa xây dựng nhiều công trình dân sinh ý nghĩa.

Công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu

Đáng chú ý nữa trong năm 2018 của các cấp Mặt trận là thực hiện tốt công tác tuyên truyền cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nổi bật là tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” với mô hình “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực”.

Theo đó, thay vì tổ chức tuyên truyền riêng lẻ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp thực hiện mô hình “Tuyên truyền tập trung, nội dung thiết thực” để cung cấp cho người dân thông tin trên nhiều lĩnh vực. Kết quả, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện theo mô hình này.

Ông Nguyễn Thanh Sáu, ở ấp Đông Phú, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, nói: “Các buổi tuyên truyền tập trung thời gian qua đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Qua đó, giúp người dân hiểu và góp sức thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách mà Trung ương, tỉnh, huyện và xã đang triển khai”.

Đánh giá về mô hình trên, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng hiệu quả là rất thiết thực. Do trước đây, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tuyên truyền riêng lẻ nên tốn kém thời gian vì mỗi người dân có thể tham dự nhiều cuộc tuyên truyền nhưng không được tiếp thu nhiều nội dung.

Cũng theo ông Sơn, nhờ hình thức tuyên truyền tập trung đã giảm hơn 40% số cuộc hội họp trong dân nhưng đảm bảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân vẫn được tuyên truyền nhiều nội dung, đồng thời giảm nhẹ chi phí tổ chức các cuộc tuyên truyền so với trước. Đây còn là dịp để người dân nói lên ý kiến của mình, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và trình bày những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để chính quyền các cấp ghi nhận, giải quyết.

Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo hay đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như ở phường Trà Lồng (thị xã Long Mỹ), xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A), xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ), phường Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy)…

Ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Hiệu quả của mô hình đã góp phần đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào Công giáo, đồng bào dân tộc Khmer ở nhiều khu dân cư; giúp họ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với nhiều hiệu quả thiết thực như vậy nên thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này hơn nữa”.

Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam tỉnh còn tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, như phối hợp với Báo Hậu Giang triển khai, thực hiện 25 chuyên trang và phát hành báo tới khu dân cư; với Đài PT&TH Hậu Giang xây dựng và phát sóng 24 chuyên mục “Đại đoàn kết toàn dân tộc”...

Ông Huỳnh Hữu Kế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Mặt trận các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt các mặt công tác trong năm 2018, nhất là hoạt động tuyên truyền có nhiều đổi mới; cán bộ Mặt trận luôn gần dân, sát dân khi thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Những kết quả đó góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trong năm nay”.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>