Càng khó thực hiện tiêu chí môi trường

25/05/2017 | 07:22 GMT+7

Trong 19 tiêu chí về nông thôn mới thì môi trường luôn được xem là tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các chỉ tiêu thuộc tiêu chí này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hộ dân ở xã Hỏa Tiến còn sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày.

Theo kết quả tự đánh giá của các địa phương, tiêu chí môi trường chính là “tiêu chí động”, bởi các chỉ tiêu trong tiêu chí rất phức tạp. Do vậy việc nâng cao chất lượng các chỉ tiêu theo quy định mới, hầu hết các xã đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Xã nào cũng gặp khó          

Phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm nay, song để đạt tiêu chí môi trường đối với xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh còn là chặng đường gian nan. Bởi chỉ tiêu sử dụng nước sạch hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn thấp, trong khi nhu cầu của người dân rất cao. Ông Phạm Văn Nho, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Do chưa có nước sạch sử dụng nên gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày. Để bảo đảm vấn đề sức khỏe, thông thường tôi bơm lên bồn chứa rồi mới dám sử dụng. Ở đây mà được đầu tư nước sạch là bà con mừng lắm, bởi ai nấy đều rất mong chờ”. 

Theo UBND xã Hỏa Tiến, hiện địa phương chưa được đầu tư các trạm cấp nước tập trung nên rất khó thực hiện đạt theo tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm của xã nông thôn mới. Bởi theo quy định mới, địa phương phải có 95% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và 65% số hộ sử dụng nước sạch. Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thừa nhận: Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của xã hiện còn rất thấp. Vì vậy, để trở thành xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra thì địa phương rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các ngành trong việc đầu tư thêm nhiều công trình cấp nước tập trung.

Không chỉ có chỉ tiêu nước sạch, chỉ tiêu về cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp cũng được đánh giá là khó thực hiện đối với xã Hỏa Tiến. Một phần là do đất đai nhiễm phèn, mặn làm hạn chế khả năng sinh trưởng của các loại cây xanh. Tương tự, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, dù đã được công nhận là xã nông thôn mới nhưng cũng đang gặp khó về tiêu chí môi trường. Bởi theo kết quả tái công nhận năm 2016, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của xã chỉ đạt 63,92% nên vẫn còn hụt so với chỉ tiêu mới hơn 1%. Chưa kể, tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch phải đạt trên 70%, nhưng trên thực tế, tỷ lệ này của địa phương vẫn còn đạt thấp so với yêu cầu đề ra.

Thực hiện nhiều giải pháp 

Theo ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, trước mắt, đơn vị sẽ rà soát lại các loại cây xanh trên địa bàn. Cụ thể là chỉ lựa chọn trồng những loại cây thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương để sớm hoàn thành chỉ tiêu về cảnh quan, môi trường theo quy định mới. Đáng nói là UBND thành phố Vị Thanh đã có chủ trương quy hoạch các trạm cấp nước tập trung tại xã, cũng như triển khai đấu nối vào tuyến đường ống ở một số khu vực giáp với địa bàn xã Tân Tiến để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. Nếu thực hiện theo kế hoạch như trên thì tiêu chí môi trường mới có khả năng đạt được.

Còn ông Huỳnh Thanh Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, chia sẻ: Dù tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn xã đạt khá cao, nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu theo tiêu chí mới. Vì thế, để được tiếp tục tái công nhận xã nông thôn mới, trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống trên những địa bàn có tuyến đường ống đi qua đăng ký lắp đặt đồng hồ để có nước sạch sử dụng. Đồng thời tăng cường công tác vận động các hộ dân thực hiện hoàn thiện thêm các chỉ tiêu còn lại trong tiêu chí môi trường theo quy định mới.

Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp có liên quan về tiêu chí sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đã yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang cần tập trung rà soát lại tất cả các công trình cấp nước đã xây dựng để có biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư. Song song đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang sớm hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh để việc đầu tư thuận lợi hơn, góp phần gia tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch cho các địa phương.

Theo Quyết định số 1980 ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm được quy định gồm: tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 95%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch là từ 65%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường là 100%, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt từ 70%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng, trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 70%; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>