Cấp bách ứng phó với hạn, mặn

03/11/2019 | 11:57 GMT+7

Những ngày này, nước lũ ở ĐBSCL rút dần và mùa lũ sắp đi qua. Năm nay, đỉnh lũ trên sông Tiền, sông Hậu ở mức báo động 1 và là lũ nhỏ so trung bình nhiều năm. Dự báo, tình hình hạn, mặn vào mùa khô tới đây sẽ gay gắt.

Các địa phương ở Hậu Giang đã có kế hoạch đóng cống khi nước mặn tràn về. Ảnh: HOÀI THU

Mùa mưa năm 2019 cũng xuất hiện muộn trên lưu vực sông Mekong và lượng mưa thiếu hụt; trong khi tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mekong từ đầu mùa lũ vẫn thấp hơn từ 20-25% so trung bình nhiều năm, mực nước các trạm khu vực Thượng và Trung Lào cũng thấp; dung tích trữ ở Biển Hồ (Campuchia) đến tháng 10-2019 đạt gần 38 tỉ m3, thấp hơn cùng kỳ là 13 tỉ m3. Cần thấy rằng, dung tích trữ của Biển Hồ là yếu tố quyết định đến sự điều tiết nước về ĐBSCL trong mùa khô... Trước tình hình trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 sẽ diễn ra sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.

Hạn, mặn sẽ gay gắt

Mới đây, Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL về tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020. Cụ thể, do ảnh hưởng của tổng lượng mưa thấp nên dòng chảy trên các sông, suối từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020 ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 20-50%; khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở nhiều vùng trên cả nước. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp. Phải xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực nhằm đề ra các giải pháp cụ thể.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương theo dõi nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt. Một trong những vấn đề quan trọng là nhanh chóng cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, không gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước; đặc biệt khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa sang các loại cây, con khác nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với hạn, mặn, biến đổi khí hậu.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đỉnh lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 ở mức cao, vì vậy để vụ lúa Đông xuân 2019-2020 đạt thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã có thông báo lịch thời vụ xuống giống lúa Đông xuân gồm 3 đợt. Thời điểm xuống giống đợt 1 bắt đầu từ ngày 20 đến 26-10, áp dụng cho những vùng có nước lũ rút sớm, nông dân có tập quán sạ giống dài ngày và có hệ thống đê bao khép kín để chủ động tưới tiêu, với diện tích khoảng 5.000ha. Còn đợt 2 sẽ gieo sạ từ ngày 19 đến 28-11, áp dụng đối với các vùng có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa Đông xuân chính vụ, với khoảng 50.000ha. Đợt 3, sẽ bắt đầu từ ngày 17 đến 23-12, ở vùng trũng, nước lũ rút chậm của một số xã, thị trấn trên địa bàn, với diện tích khoảng 23.000ha.

Tổng cục Thủy lợi lưu ý, trong tháng 12-2019, ranh mặn 4g/lít ảnh hưởng sâu vào đất liền ở các vùng ven biển ĐBSCL phạm vi từ 20-30km; sang tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4g/l sẽ tấn công sâu từ 40-67km, cao hơn 10-15km so trung bình nhiều năm, đây là phạm vi ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Nhằm chủ động ứng phó với hạn, mặn, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ chỉ gieo sạ hơn 1,63 triệu héc-ta lúa Đông xuân 2019-2020, giảm 55.486ha. Đồng thời, chỉ bố trí sản xuất lúa ở những vùng có đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, hoặc tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa, nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Tăng cường nạo vét kênh mương trữ nước nhằm ứng phó hạn, mặn. Ảnh: HƯNG TÂN

Tăng cường ứng phó

Sở NN&PTNT các địa phương cũng nhìn nhận bài học khó khăn của vụ Đông xuân 2015-2016 khi mặn về sớm gây thiệt hại tràn lan nên vụ Đông xuân 2019-2020 các địa phương sẽ gieo sạ sớm và sử dụng giống ngắn ngày nhằm tránh bị ảnh hưởng hạn cuối vụ, nhất là những vùng ven biển. Các nhà khoa học đánh giá cao phương án giảm 55.486ha lúa Đông xuân tới nhằm “né” hạn, mặn, đây là giải pháp hợp lý trong điều kiện giá lúa thấp, để chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản cho lợi nhuận cao hơn lúa gấp nhiều lần; đồng thời tiết kiệm được nguồn nước tưới.

Đối với 52.700 hộ ở các địa phương ven biển ĐBSCL dự báo bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tới. Hiện các tỉnh chủ động nạo vét kênh mương tích trữ nước ngọt, xây thêm các công trình chứa nước, kéo dài tuyến ống đến những nơi bị thiếu nước, đầu tư cho người dân các bể lọc nước giếng khoan, bể chứa nước mưa; trường hợp cấp bách không còn nguồn nước phục vụ cho ăn uống thì ngành chức năng sẽ sử dụng các phương tiện lưu động, bồn nước, xe cứu hỏa, xe chuyên dụng… để chở nước ngọt cung cấp cho người dân. Riêng tỉnh Kiên Giang cũng dự phòng phương tiện thủy vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo, phục vụ dân trong trường hợp cấp bách. Cũng theo UBND tỉnh Kiên Giang, rút kinh nghiệm đợt hạn, mặn năm 2016 gây thiệt hại lớn; năm nay tỉnh chủ động phương án nạo vét kênh mương thủy lợi, trữ nước ngọt, đắp đập ngăn mặn… với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Mọi chuẩn bị đang gấp rút nhằm sẵn sàng ứng phó với thời điểm xâm nhập mặn cao từ tháng 2 đến tháng 5-2020.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết sẽ phối hợp với Sở Tài chính tỉnh tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương. Đồng thời sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi để người dân tranh thủ lấy nước, trữ nước và sử dụng nước có hiệu quả trong mùa khô năm 2019-2020. Theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thông tin kịp thời, bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý. Bên cạnh sản xuất lúa sẽ hướng dẫn kỹ thuật để đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước ngọt hạn chế. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Đặc biệt là tăng cường công tác quan trắc mặn thường xuyên, chính xác nhằm đưa ra các khuyến cáo cho người dân. Thực hiện các giải pháp như nạo vét các kênh bị bồi lắng, đắp đập thời vụ, đập cải tiến bằng thép, kiểm tra vận hành các trạm bơm điện, nạo vét bùn bồi lắng tại các cửa cống, đảm bảo ngăn mặn và trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hậu Giang cũng đã có kế hoạch kiểm tra các vùng thường xuyên xâm nhập mặn. Nếu nơi nào chưa đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân sẽ có phương án cụ thể đảm bảo cung cấp nước sạch đến người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng khó khăn.

Đối với các địa phương thường bị mặn xâm nhập ở Hậu Giang như huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh cũng đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó, xác định từng khu vực và khả năng bị ảnh hưởng để triển khai các giải pháp phù hợp. Tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu, các tuyến kênh để tiến hành sửa chữa ngay phục vụ cho công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5%o thì vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cho sản xuất nông nghiệp và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho bà con nông dân vùng bị hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã đề nghị các ngành, địa phương có kế hoạch và theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình xâm nhập mặn vào địa bàn. Cập nhật kịp thời, đầy đủ các số liệu mặn để tổng hợp, báo cáo cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động xây dựng phương án phòng, chống hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Nắm lại số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân như bồn nhựa chứa nước sinh hoạt, gạo cứu đói… phù hợp với thực tế tại vùng bị hạn, xâm nhập mặn.

HƯNG TÂN - HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>