Chủ động phòng, chống bão số 12

03/11/2017 | 06:18 GMT+7

Hiện vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 12, tuy tâm bão đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ, nhưng hoàn lưu bão có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ, trong đó có Hậu Giang. Do vậy, để tránh thiệt hại, hiện ngành chức năng của tỉnh và người dân đã và đang chủ động các giải pháp ứng phó.

Ông Khởi tranh thủ gia cố lại đập và làm vành đai cặp lộ để ngăn nước lũ từ dưới kênh tràn qua.

Những ngày qua, khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương thông báo khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn, triều cường dâng cao và lốc xoáy xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 12 nên ông Nguyễn Văn Khởi, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã chủ động đi kiểm tra lại các cống, đập xung quanh nhà và tiến hành gia cố lại bờ bao, đắp thêm vành đai trước lộ để ngăn nước từ dưới kênh không tràn qua làm ngập 7 công bưởi da xanh mới trồng. Ông Khởi thông tin: “Hôm nay nước đã rút, chứ 2 ngày trước nước dâng cao ngập qua lộ. Thấy vậy, tôi đã thuê xáng cạp múc đất để đắp cao lên ở một số đoạn thấp nhằm ngăn nước, bảo vệ vườn cây sau nhà”.

Giống như ông Khởi, mấy ngày gần đây, ông Lê Văn Manh, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cũng tất bật gia cố bờ bao và đặt máy bơm sẵn sàng để khi gặp mưa dầm làm ngập vườn cây ăn trái của gia đình thì tiến hành bơm rút nước ngay. Ông Manh cho biết: “Khi có thông báo bão thì phải chủ động làm như thế để bảo vệ tài sản cho mình chứ không phải đợi địa phương nhắc nhở. Ngoài vườn cây ăn trái, tôi còn chằng chống nhà cửa thật chắc chắn nhằm phòng khi có lốc xoáy. Vì từ đầu năm tới giờ, mỗi khi có mưa dầm thì thường có lốc xoáy làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân”.

Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 12, tuy tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ, nhưng hoàn lưu bão có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ, trong đó có Hậu Giang. Trước tình hình trên, ngày 1-11, UBND tỉnh đã có thông báo khẩn về việc đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương và người dân có giải pháp để chủ động ứng phó. Ngay sau khi UBND tỉnh thông báo và để đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh và giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có công văn khẩn chỉ đạo tất cả các phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trường học từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học một ngày (vào ngày 2-11), sau đó thì tùy theo diễn biến thời tiết thực tế, Sở sẽ có chỉ đạo cụ thể sau. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh học sinh.

Chị Nguyễn Thị Diệu, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, có con trai học tại Trường Tiểu học Vĩnh Viễn 1, bộc bạch: “Nhà trường thông báo học sinh nghỉ học một ngày để tránh bão thì tôi mừng lắm. Chứ thấy trời cứ mưa liên tục thì mấy đứa nhỏ đi học cũng bị ướt; đó là chưa kể trên đường đi lỡ gió mạnh làm gãy cây rơi xuống đường thì rất huy hiểm”.  

Ngoài ngành giáo dục thì Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến tình hình và kịp thời khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra. Theo ghi nhận, tình hình thời tiết từ chiều tối ngày 1 đến hết ngày 2-11, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa dầm, có nơi mưa vừa, mưa to và kèm theo gió nhẹ, nhưng chưa ghi nhận sự ảnh hưởng hay thiệt hại nào tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Sau khi nhận được thông báo của UBND tỉnh, địa phương đã tổ chức thông báo cho người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đến chiều ngày 2-11, trên địa bàn thành phố tuy có mưa dầm, nước dưới sông có dâng cao hơn mấy ngày trước khoảng 2cm nhưng chưa làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết về cơn bão số 12 để có giải pháp ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu. 

Cùng trong tư thế chủ động ứng phó với bão số 12 như các địa phương, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho hay: Bên cạnh tuyên truyền người dân kiểm tra và gia cố hệ thống đê bao vườn cây ăn trái, vùng mía, vùng nuôi trồng thủy sản thì Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện còn phân công cán bộ phụ trách trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh biết để có hướng chỉ đạo kịp thời. Đến thời điểm này, tình hình mưa bão trên địa bàn huyện vẫn ổn.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Đến chiều ngày 2-11, qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương trong tỉnh gửi về thì tình hình mưa bão chưa làm ảnh hưởng. Thế nhưng, trước diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, nhất là bão số 12 đang tiến vào đất liền và theo dự báo thì hoàn lưu bão sẽ không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Hậu Giang. Do đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác trước những diễn biến của bão và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo thông báo chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh.

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, bão số 12 có tên quốc tế là Damrey. Dự báo tới 7 giờ sáng ngày 3-11, tâm bão sẽ cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông. Sáng ngày 4-11, tâm bão sẽ nằm trên vùng biển các tỉnh Bình Định - Bình Thuận, lúc này bão mạnh cấp 10-11 (sức gió 90-115 km/h), giật cấp 14. Trong quá trình bão di chuyển, bão số 12 có thể xảy ra nhiều thay đổi. Hiện tại, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây nhưng sau đó có khả năng đổi sang hướng Tây - Tây Nam. Dự báo, tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ, hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng tới Thành phố Hồ Chí Minh và khả năng tới các tỉnh Nam bộ nên các địa phương cần theo dõi sát sao để phòng tránh hiệu quả.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>