Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

06/06/2019 | 08:17 GMT+7

Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động cụ thể để giúp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều đáng ghi nhận là các địa phương trong vùng đã thay đổi tư duy từ thích ứng với BĐKH sang chủ động thích ứng với BĐKH.

Hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn thành phố Vị Thanh là một trong những công trình đang phát huy hiệu quả trong việc thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: HỮU PHƯỚC

Các địa phương đã có những hành động cụ thể để chủ động thích ứng với BĐKH. Cụ thể ngày 31-5-2019, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai trồng khoảng 2.000 cây mắm trong chương trình trồng rừng ngập mặn chống sạt lở ven biển, xâm nhập mặn hạn chế tác động của BĐKH, bảo vệ môi trường tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 tại tỉnh Bạc Liêu.

ĐBSCL là vùng đất cuối nguồn dòng Mekong được kiến tạo từ phù sa bồi lắng. Đây cũng là một “đặc ân” của tạo hóa tạo nên đất đai trù phú thuận lợi trồng trọt. Nhưng vùng đất này đang chịu tác động kép khi: Các nước nằm phía thượng nguồn sông Mekong liêp tiếp đua nhau xây đập thủy điện đã làm giảm nghiêm trọng lượng phù sa bồi bổ; cùng với nước biển dâng đã đặt châu thổ vào thế tổn thương kép. ĐBSCL rộng 4 triệu ha đất tự nhiên, là nơi sinh sống của gần 20 triệu người, mỗi năm đóng góp khoảng 27-28 triệu tấn lương thực và thực phẩm, gồm lúa gạo, tôm cá, trái cây và rau củ cho cả nước, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp một phần đáng kể cho xuất khẩu ra thế giới. Do đặc điểm nằm ở hạ lưu cuối cùng của hệ thống sông Mekong, ĐBSCL có địa hình rất thấp và phẳng, cao độ trung bình phổ biến ở mức 1,2-1,5m so với mực trung bình của nước biển. Với hai mặt giáp biển với chiều dài ven biển hơn 600km nên tác động của các dao động biển lên đồng bằng rất lớn. Đồng bằng đang chịu hai tác động dòng chảy, dòng chảy của sông Mekong từ thượng nguồn đổ về và dòng triều do tác động biển xâm nhập vào đất liền. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 là thời gian bị ngập lũ, còn từ tháng 1 đến tháng 4 là thời gian bị tác động mạnh mẽ của hiện tượng xâm nhập mặn và khô hạn. Các nhà khoa học đã chỉ ra: Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa. Nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn khiến gia tăng hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn. Nước “đói” sẽ “ăn” dần đất ở hai bên bờ sông và lòng dẫn. So sánh hiện nay với 10 năm trước, cả đáy sông Tiền và sông Hậu đều sâu hơn gấp 2-3 lần. Mực nước ngầm xuống thấp làm mặt đất thêm sụt lún và quá trình mực nước biển dâng, xâm thực mạnh làm mất dần đất vùng ven biển. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), nhận định: “Hầu hết các huyện ven sông, ven biển vùng châu thổ sông Cửu Long đều có những minh chứng quá trình sạt lở và lún sụt nghiêm trọng, ngày một gia tăng và chưa hề có dấu hiệu chững lại. Hiện nay, vùng châu thổ có khoảng hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500ha, tương đương xóa sổ trên bản đồ diện tích của một xã. Ảnh vệ tinh cho thấy ở vùng ven biển các điểm thoái lui gia tăng nhiều, cao hơn gấp đôi điểm bồi lấp. Có nơi vùng biển lùi dần về phía đất liền từ 10-12m/năm. Nhiều cánh rừng ngập mặn cũng không giữ nổi đất dưới sự “giận dữ” của thiên nhiên, từ dòng chảy và sóng biển”.

Trong bối cảnh đó, việc Bạc Liêu chủ động tổ chức trồng cây xanh bảo vệ bờ biển là hành động thiết thực. Vài năm trở lại đây, các tỉnh ven biển ĐBSCL như Trà Vinh, Cà Mau đã chủ động thực hiện các giải pháp chống sạt lở, bảo vệ bờ biển thông qua chương trình trồng nhiều loại cây bảo vệ rừng, bờ biển. Tại Trà Vinh, tỉnh này trồng 230ha rừng bần. Đồng thời đã và đang thực hiện trồng gần 300ha rừng bần, đước, phi lao để tạo vành đai bảo vệ 1.179ha rừng nguyên sinh. Còn tại Cà Mau, với 3 mặt giáp biển, BĐKH đã làm nhiều dải đất ven sông, biển sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh Trà Vinh chọn bần nhưng Cà Mau chọn mắm để trồng ven biển chống sạt lở, mô hình này đã mang lại hiệu quả và được mở rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã chủ động thực hiện công trình kè ngầm tạo bãi - được xem là giải pháp “hai trong một” đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, công trình này dùng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực dài 6m đóng liền kề hai dãy, mỗi dãy cách nhau khoảng 2m, phần rỗng bên trong được đổ đá để bảo vệ khi sóng đánh vào nước sẽ theo rãnh chảy vào kéo theo lượng phù sa. Lâu dần phù sa bồi lắng tạo thành bãi, sau đó trồng cây mắm, cây đước, vừa khôi phục được rừng phòng hộ vừa bảo vệ đê biển không bị vỡ trước sóng to gió lớn. Đến nay, đã có 17km kè được xây dựng với kinh phí là hơn 20 tỉ đồng/km. Sau thời gian thí điểm cho thấy, phù sa đã bồi lắng bên trong đê trụ rỗng dày lên trung bình khoảng 7cm, góp phần ổn định đê và tái sinh rừng phòng hộ.

Còn nhớ sau mùa khô “đại hạn năm 2016”, hàng triệu người dân ĐBSCL đã chịu những thiệt hại nặng nề từ sản xuất đến sinh hoạt. Ngày sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát ĐBSCL trên trực thăng để nắm bắt tình hình trước khi bước vào dự hội nghị “Diên Hồng”: Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức vào cuối tháng 9-2017. Sau đó, ngày 17-11-2017, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời. Đây được xem “bộ khung” quan trọng để ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ cần những hành động cụ thể. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có cách nói khá hình tượng khi đề cập đến Nghị quyết 120/NQ-CP: “Thà mỗi người thắp lên một que diêm còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm". Những cây xanh như: bần, phi lao, mắm… được trồng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là một cách cụ thể bảo vệ đất, giúp ĐBSCL chủ động thích ứng với BĐKH.

CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>