Chủ động ứng phó lũ

16/09/2019 | 00:01 GMT+7

Để bảo vệ vườn cây ăn trái, lúa Thu đông trong điều kiện mưa, lũ được an toàn và hạn chế thiệt hại, ngành chức năng và người dân đã, đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp.

Ngành chức năng huyện Châu Thành đã và đang khẩn trương gia cố nhiều đoạn đê bao bị xuống cấp để ứng phó lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức báo động 1 đến báo động 2, thời gian xuất hiện đỉnh lũ có thể vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Bên cạnh đó, theo cập nhật phân tích dòng chảy mùa lũ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì lũ đầu nguồn đang lên khá nhanh và lũ có thể đạt đỉnh sớm vào ngày 17 đến 19-9 này, với mức lũ vào khoảng 3,3m tại Tân Châu (vượt mức báo động 1). Riêng tại tỉnh Hậu Giang, trong những ngày gần đây xuất hiện mưa dầm kéo dài, thủy triều trên các tuyến kênh, mương nội đồng cũng lên khá nhanh và gây ngập bờ mẫu nhiều cánh đồng lúa không canh tác vụ Thu đông, đồng thời đe dọa nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, người dân đã và đang gia cố nhiều tuyến đê bao để ngăn lũ, bảo vệ thành quả sản xuất.

Không để cây ăn trái bị ngập lũ

Đang xem kobe múc đất gia cố lại những đoạn lộ thấp để nước không tràn qua gây ngập vườn cây ăn trái của người dân, ông Hồ Nghĩa Hiệp, Bí thư Chi bộ ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết: “Ở ấp của tôi tuy đã có đê bao khép kín kiên cố, thế nhưng do đầu tư nhiều năm nên một số đoạn bị xuống cấp. Do đó, vào mùa lũ hàng năm, địa phương thường tiến hành gia cố lại để bảo vệ vườn mít, chanh không hạt… đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân được an toàn. Đặc biệt, thấy những ngày qua nước dưới kênh dâng lên khá nhanh nên địa phương gấp rút thực hiện để sớm hoàn thành công việc này”.

Các diện tích lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo có hệ thống đê bao kiên cố để ứng phó lũ hiệu quả.              

Cùng chủ động ứng phó với lũ, ông Trần Văn Tới, ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho hay: “Gia đình tôi có 5 công chanh không hạt và 5 công mít Thái đang cho trái, trong đó mít là cây trồng rất sợ nước. Chính vì vậy, từ đầu mùa mưa đến nay, chiếc máy dầu của tôi luôn túc trực ngoài vườn để bơm thoát nước ra ngoài kịp thời mỗi khi có mưa lớn. Hiện chanh, mít đều đang có giá cao, lỡ có chuyện gì thì gia đình bị thiệt hại không ít nên công tác chủ động phòng, chống lũ được đặc biệt quan tâm trong lúc này”.  

Hiện tại, sản xuất cây ăn trái là thế mạnh nông nghiệp của tỉnh khi chỉ đứng sau cây lúa. Theo đó, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt trên 39.000ha, tập trung ở các địa phương, như: thị xã Ngã Bảy, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp... Do là cây trồng có thế mạnh nên thời gian qua, ngành chức năng tỉnh và địa phương không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng về đê bao, cống đập, đường giao thông… để giúp người dân chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái, hạn chế bị ngập và gây thiệt hại do lũ. Mặt khác, nhà vườn còn tích cực cùng chính quyền địa phương chủ động gia cố đê bao và có nhiều sáng tạo trong việc làm đê ngăn lũ. Điển hình là mô hình xây gạch ống từ mặt lộ lên cao từ 20-40cm trước nhà để khi nước lũ có lúc tràn qua lộ nhưng không vào vườn cây ăn trái được. Nhờ chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên vườn cây ăn trái của người dân thường được bảo vệ tốt trong mùa lũ.

Chỉ tay về tuyến đê bao bằng gạch ống được xây dựng lên cặp mé sông trước nhà và của nhiều bà con lân cận, ông Nguyễn Văn Sinh, ở ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhờ cách làm này mà nhiều năm qua, hơn 1ha vườn chanh không hạt của tôi và không ít vườn cây ăn trái khác của bà con ở ấp này không bị nước lũ tấn công và gây thiệt hại. Bởi, thủy triều mùa lũ ở đây có điều đặc biệt là dâng lên rất cao và khi rút thì rất cạn. Có khi, thủy triều dâng cao tràn qua con lộ trước nhà. Do đó, để ngăn nước không vào vườn cây ăn trái nên chính quyền địa phương phát động và được bà con đồng tình là nhà nào cũng xây tường cặp mé lộ để ngăn lũ. Mỗi năm, khi đến đầu mùa lũ thì bà con tiến hành kiểm tra lại đoạn nào bị hư thì sửa lại. Hiện công việc này đã hoàn thành, giờ nhà vườn chỉ quan tâm theo dõi nắp cống dẫn nước vào vườn cho kiên cố là an tâm ứng phó lũ”.     

Đảm bảo lúa Thu đông được an toàn

Giống như nhà vườn trồng cây ăn trái, hiện người dân canh tác lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh cũng tích cực thực hiện gia cố đê bao và chủ động bơm thoát nước từ trên ruộng ra ngoài để bảo vệ lúa được phát triển tốt. Đang rảo quanh thăm gần 2ha lúa Thu đông của gia đình đã sạ gần 40 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Mười Một, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Cánh đồng lúa nơi đây thường canh tác 3 vụ lúa/năm nên được đầu tư hệ thống đê bao kiên cố. Thế nhưng, do chưa có trạm bơm nên khi có mưa lớn và lúc nào nước ròng thì khai nước trên ruộng ra kênh được, còn mấy hôm nước rong thì phải lấy máy bơm rút nước thường xuyên để cây lúa phát triển tốt. Nhờ có đê bao cao ráo, dòng kênh được nạo vét thông thoáng nên bà con chủ động được nguồn nước, từ đó an tâm sản xuất lúa Thu đông”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 36.600ha lúa Thu đông, tập trung ở huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A và huyện Long Mỹ. “Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương chỉ khuyến cáo bà con ở những nơi đủ điều kiện về hệ thống đê bao, trạm bơm mới tiến hành xuống giống lúa Thu đông nhằm chủ động bơm thoát nước khi có mưa hay lũ lớn để hạn chế thiệt hại. Do đó, qua khảo sát thực tế và báo cáo từ địa phương, các diện tích lúa Thu đông của tỉnh trong vụ này đều thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo trên nên đảm bảo an toàn khi có lũ”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết.

Qua ghi nhận, hiện các diện tích lúa Thu đông tập trung ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, với tổng diện tích gần 18.000ha, đồng thời có khoảng 18.000ha sạ sớm đang trong giai đoạn trổ chín trên địa bàn huyện Châu Thành A và Vị Thủy. Nhìn chung, các trà lúa đang phát triển tốt, tình hình sinh vật gây hại không đáng ngại, do bà con chủ động phòng ngừa và tích cực chăm sóc. Từ đó, nhiều nông dân đặt kỳ vọng vụ lúa Thu đông năm nay sẽ đạt năng suất và giá bán hấp dẫn để có nguồn lợi nhuận tương đối nhằm tạo động lực cho vụ sản xuất lúa Đông xuân sắp tới.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Ngoài phối hợp cùng nông dân chăm sóc ruộng lúa, đơn vị còn đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên vận động người dân kiểm tra và gia cố lại các đoạn đê bao xuống cấp để chủ động phòng ngừa trước tình hình lũ được dự báo là tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường; đặc biệt là đỉnh lũ năm nay có thể xuất hiện sớm trong tháng 9 này. Qua đây, nhằm bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu đông và góp phần làm tăng trưởng kinh tế cho khu vực I vào cuối năm.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>