Chủ động ứng phó thiên tai

30/05/2017 | 08:55 GMT+7

Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó cần thiết để không bị động, bất ngờ với mọi tình huống của thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, khó lường.

Mưa trái mùa từ đầu năm đến nay đã làm đổ ngã, giảm năng suất nhiều diện tích lúa trong vụ Đông xuân 2016-2017 và lúa Hè thu đang thu hoạch.

Không còn theo quy luật

Theo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cũng như lãnh đạo các địa phương, thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến bất thường, không còn theo quy luật. Cụ thể mùa khô năm nay, tình hình xâm nhập mặn diễn ra không gay gắt so với trung bình nhiều năm, nhất là năm 2016, từ đó đã giảm thiểu nhiều áp lực trong phòng, chống cho người dân và ngành chức năng. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa kéo dài và kèm theo giông gió giật mạnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng qua ghi nhận mưa trái mùa từ đầu năm đến nay đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và làm giảm năng suất lúa từ 10-20%, cũng như giá bán, nguồn thu nhập đối với người dân trong vụ lúa Đông xuân 2016-2017 vừa qua, kể cả vụ Hè thu đã và đang chuẩn bị thu hoạch như hiện nay trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, mưa trái mùa còn làm giảm năng suất nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh, điển hình là xoài cát Hòa Lộc.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Biến đổi khí hậu ngày một hiện rõ tại Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nói chung. Từ đó, khiến cho thời tiết trong những năm gần đây đã không còn theo quy luật hai mùa mưa nắng như trước đây. Cụ thể, trời có lúc nắng nóng gay gắt, khi thì mưa dầm ngay thời điểm những tháng mùa khô như năm nay. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông, giông, lốc xảy ra khó lường và tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ và các ngành chuyên môn Hậu Giang, tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào đầu tháng 5 và kết thúc vào khoảng nửa đầu tháng 11. Khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đặc biệt trên địa bàn tỉnh có thể chịu ảnh hưởng từ 3-4 cơn bão vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11 và 12).

Bên cạnh đó, vào mùa lũ, mực nước trên hệ thống sông, kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11 sẽ chịu ảnh hưởng lũ trên sông Hậu. Mặt khác, mùa lũ năm nay đạt đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10. Tại trạm Vị Thanh có khả năng ở mức từ 0,65m-0,75m, xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm; còn tại huyện Phụng Hiệp từ 1,40m-1,50m, cũng xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước thủy triều năm nay có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp nên các địa phương phải hết sức cảnh giác.

Nhiều giải pháp ứng phó

Trước dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thiên tai nói chung, thời tiết, sạt lở nói riêng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cùng lãnh đạo các địa phương đã lên kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó cụ thể. Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Châu Thành, trong tổng số 6 điểm sạt lở từ đầu năm đến nay, hiện địa phương đã khắc phục được 5 điểm, còn 1 điểm đang thực hiện. Ngoài ra, qua công tác rà soát, toàn huyện Châu Thành còn có 22 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 17 điểm có nguy cơ cao và cần sớm khắc phục, với tổng kinh phí xử lý khoảng 1,2 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thông tin: Trước mắt, huyện sẽ sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để khắc phục những điểm có nguy cơ sạt lở cao theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, địa phương cũng chỉ đạo cho các ngành chức năng huyện tiến hành khảo sát và vận động người dân tu bổ hệ thống cống, đập, gia cố bờ bao phòng lũ lớn, bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn.

Cùng với huyện Châu Thành, hiện lãnh đạo các địa phương như Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy cũng đang tất bật cho công tác ứng phó trước khi mùa mưa bão bắt đầu nhằm bảo vệ sản xuất lúa cho người dân. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: “Vụ lúa Thu đông tới đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện sẽ xuống giống khoảng 14.000ha, đây là vụ lúa nhằm tạo nguồn giống xác nhận cho nông dân sử dụng trong vụ lúa Đông xuân tiếp theo. Do đó, ngay từ thời điểm này, các ngành chức năng của huyện Vị Thủy đã chủ động lên kế hoạch ứng phó mưa, bão, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho nông dân”.

Cùng với các địa phương, các ngành có liên quan của tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp ứng phó cần thiết với thiên tai. Chẳng hạn như Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất trường lớp, nhất là những điểm phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 sắp tới được an toàn; ngành giao thông vận tải thì thường xuyên kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân; Sở Công thương sẽ chủ động dự trữ nhu yếu phẩm để sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu… 

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, vừa đề nghị các địa phương cần gấp rút kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, đồng thời sớm hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ với mọi tình huống. Trong đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại khi thiên tai xảy ra để người dân chủ động phòng tránh. Ngoài ra, phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để kịp thời ứng phó, bảo vệ sản xuất, tài sản cho bà con. Riêng vụ lúa Thu đông, những địa phương nào đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới thì mới tiến hành xuống giống nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra…

Qua thống kê của ngành chức năng Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 11 điểm sạt lở bờ sông, trong đó huyện Châu Thành 6 điểm, Phụng Hiệp 2 điểm, Châu Thành A 2 điểm và thị xã Ngã Bảy 1 điểm; chiều dài sạt lở là 289m; diện tích mất đất 1.829m2; ước thiệt hại gần 2,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, giông, lốc còn làm sập 19 căn nhà, tốc mái 6 căn, ước thiệt hại 303 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>