Chủ động ứng phó thiên tai

30/06/2020 | 18:40 GMT+7

Huyện Châu Thành A đã triển khai nhiều biện biện pháp chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại trong mùa mưa, bão.

Các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành A được khẩn trương xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thiên tai diễn biến bất thường và không theo quy luật. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) tỉnh, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành A, các phòng, ban, đoàn thể đã có bước chuẩn bị kế hoạch ngay từ đầu mùa mưa bão để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Ban chỉ huy huyện, các xã, thị trấn được kiện toàn từ sớm. Với phương châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và theo phương châm “bốn tại chỗ”, các xã, thị trấn tích cực triển khai hiệu quả biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi, cho hay: Từ đầu năm, huyện đã có văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác phòng, ứng phó thiên tai trên địa bàn. Qua phần mềm điện tử, huyện còn thường xuyên nhắc nhở các địa phương tập trung các giải pháp trên tinh thần sẵn sàng ứng phó. Để chủ động hơn trong mùa mưa, bão, chúng tôi đã rà soát những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Qua đây, vận động hỗ trợ cây cối và nhân lực chằng chống lại nhà cửa cho chắc chắn. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Châu Thành A xảy ra 2 điểm sạt lở đất bờ sông, gây thiệt hại khoảng 130 triệu đồng. Sau khi có thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy huyện cùng các cấp đã nhanh chóng đưa lực lượng đến hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Nhờ chủ động nắm chắc diễn biến sạt lở trên địa bàn nên công tác phòng và ứng phó được đảm bảo, không có thiệt hại về người.

Bà Nguyễn Thị Út Bé, ở xã Tân Phú Thạnh, là một trong những hộ chịu ảnh hưởng bởi vụ sạt lở đất bờ sông xảy ra vào rạng sáng ngày 24-6. Bà Bé kể rằng trước khi xảy ra sự cố, nền nhà nơi bà sinh sống đã có vết răn nứt. Thấy vậy, bà cũng những hộ lân cận báo lên UBND xã Tân Phú Thạnh. Sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm, đồng thời di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm ngay lập tức. Nhờ vậy, khi xảy ra sự cố sạt lở, không có thiệt hại về người.

“Lúc nhà răn nứt, tôi chưa có ý định dọn ngay. Nhưng nhờ mấy chú ở xã cảnh cáo, rồi kịp thời hỗ trợ lên trên an toàn. Nếu đêm đó, gia đình tôi còn sinh hoạt ngủ nghỉ dưới nhà chắc khó thoát nạn. Quả thật, trong cái rủi còn có cái may”, bà Út Bé hồi tưởng lại.

Theo chính quyền địa phương, sông Ba Láng chảy qua địa bàn xã Tân Phú Thạnh khoảng 6km. Qua rà soát có 9 điểm nguy cơ và 1 điểm nguy cơ cao thuộc địa bàn ấp Thạnh Lợi. UBND xã đã tuyên truyền người dân trồng các loại cây giữ đất bờ sông, gia cố, làm kè chống sạt lở, đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.

Ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết: Đối với điểm đã sạt lở trên địa bàn, trước mắt chúng tôi vận động di dời người dân đến nơi an toàn. Mặt khác, địa phương đã kiện toàn lại Ban chỉ huy, có kế hoạch tuyên truyền thông qua các hội, đoàn thể và Nhân dân, khuyến cáo bà con chằng chống nhà cửa, đốn hạ những cây cao gần nhà, dây điện câu đuôi phải có biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Nhà cây lá trên địa bàn hiện còn khoảng 60 căn, chúng tôi tập trung vào những đối tượng này để tăng cường tuyên truyền, chằng chống nhà cửa.

Theo Ban chỉ huy huyện Châu Thành A, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban, đoàn thể đã chuẩn bị kế hoạch ngay từ đầu mùa mưa bão để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Ban chỉ huy huyện, các xã, thị trấn được kiện toàn từ sớm, kiểm tra chặt chẽ việc bố trí các trang thiết bị và xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2020 với những biện pháp tổ chức cụ thể theo phương châm “bốn tại chỗ”, “Phòng là chính - dân là chính - cơ sở là chính”. Thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời các dự báo về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thiên tai đến người dân. Các ngành, các cấp, các địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ dân cư cụ thể, ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản Nhân dân, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Tuyên truyền vận động Nhân dân chằng chống nhà cửa, giằng mái tôn bằng bao cát, phát quang cây cối xung quanh nhà và gần đường dây điện, không nên ra đồng khi trời mưa có kèm theo sấm sét. Các xã, thị trấn chỉ đạo tháo dỡ chà, nò và các vật cản trên sông, kênh, rạch để thoát lũ nhanh. Theo dõi và kiểm tra tình hình sạt lở bờ kênh, rạch có nguy cơ cao, có kế hoạch thật cụ thể về phòng, chống sạt lở bảo vệ cơ sở hạ tầng khu dân cư...

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>