Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

15/08/2018 | 11:10 GMT+7

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường ở Hậu Giang luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp cùng các ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị, địa phương và Nhân dân trên địa bàn.

Tuyến đường ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, được thực hiện mô hình tuyến đường không rác.

Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường còn được lồng ghép gắn với các phong trào, cuộc vận động, chương trình. Nhờ việc lồng ghép công tác bảo vệ môi trường được gắn với chương trình nông thôn mới, chỉnh trang đô thị đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang. Hiện nay, nhiều mô hình tổ thu gom rác thải tại địa bàn các xã lần lượt được hình thành. Các mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng, bước đầu hoạt động có hiệu quả đã thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và đông đảo Nhân dân như: phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi cao - gương sáng”...

Là một trong những xã đầu tiên được công nhận nông thôn mới, đến nay xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy đã khoác lên mình một diện mạo mới. Trong tổng số 7 ấp thì đến nay toàn xã đã có 5 ấp đều có xe rác đến vận chuyển đến nơi. Các ấp còn lại đều tổ chức phân loại, thu gom rồi đem tiêu hủy ở các hố đốt rác, tránh tình trạng để rác vứt bừa bãi ra kênh, rạch. Để làm được điều này cũng là nhờ địa phương triển khai nhiều giải pháp và hơn hết là sự ủng hộ, đồng tình của người dân.

Với mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nông thôn, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Đại Thành thực hiện mô hình “Tuyến đường không rác” với hơn 60 hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, có chiều dài hơn 1km. Theo đó, các hộ dân cam kết sẽ tự phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh nhà, bếp, ngõ của mình, không vứt rác bừa bãi trên tuyến đường.

Chị Lê Thị Phượng, ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Trước đây, do rác chưa được thu gom nên người dân cứ vứt bừa bãi. Từ khi Hội LHPNVN xã phát động thực hiện mô hình “Tuyến đường không rác”, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, nhà cửa, đường sá sạch, đẹp làm cho bộ mặt làng quê đẹp và văn minh hơn”.

Đây là “Tuyến đường không rác” thứ hai được triển khai trên địa bàn xã. Từ khi nhân rộng mô hình này đã góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Bà Lê Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPNVN xã Đại Thành, cho biết: Cứ đều đặn 1 ngày/tuần, xã cùng các hội, đoàn thể trong ấp vận động người dân tự giác tham gia vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống. Mỗi người một việc, thu gom, phân loại rác, quét dọn, phát cỏ mọc ven đường, trồng hoa... tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Thông qua các buổi tổng vệ sinh đã từng bước nâng cao trách nhiệm người dân trong việc giữ gìn môi trường, đến nay không còn hiện tượng đổ rác bừa bãi, tùy tiện...

Không chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn xây dựng được nhiều hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để nhằm bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân. Điển hình như nông dân Huỳnh Văn Tâm, thành viên của Hợp tác xã Tâm Quyết, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, đã thay đổi thói quen vứt rác thải. Nếu trước kia, vỏ, chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, ông đều đem đốt thì nay cứ hễ sử dụng xong là ông lại thu gom và bỏ vào hố chứa đã được bố trí. Ông Tâm bộc bạch: “Hồi trước, các loại bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tôi thường đem về nhà để đốt. Dù biết là rất nguy hiểm nhưng quăng bừa bãi thì cũng không được. Do đó, sau khi địa phương vận động, tôi cùng các thành viên HTX tham gia ngay. Mới tham gia thì cũng rất khó khăn do thói quen, nhưng sau này quen rồi thì xịt thuốc xong mình thu gom lại và bỏ vào hố ngay đầu đất. Thấy mấy anh em khác quên mình cũng nhắc, từ đó đến nay tạo thành thói quen cho anh em”.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hậu Giang, cho biết: Xác định công tác truyền thông môi trường là việc làm không thể thiếu để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng. Do đó, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức là một trong những việc làm hàng đầu. Thế nhưng, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cần có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc phổ biến sâu rộng pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần có giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền để tạo được sự quan tâm, thu hút của đông đảo người dân.

Từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì và phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Theo đó, đã tổ chức được 77 lớp tập huấn cho 5.276 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên các cấp về kiến thức bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện tiêu chí số 17 (về môi trường) trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>