Công tác ứng phó bão đang được triển khai gấp rút

25/12/2017 | 14:52 GMT+7

Cơn bão số 16 đang ngày càng tiến sâu vào đất liền các tỉnh Nam bộ. Dự kiến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Các địa phương như huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ được dự báo là vùng ảnh hưởng nặng của bão. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trần Thanh Toàn (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết:

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang

Đến sáng ngày 25-12, cơn bão đã vào gần bờ, vùng tâm bão cấp 10-11, giật trên cấp 13; theo dự báo đến khuya ngày 25-12 bão sẽ áp sát đất liền, với sức gió giật trên cấp 12. Cấp độ gió trên 100 km/h. Với tỉnh Hậu Giang, dự báo sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão này, sức gió khoảng trên 90km/h. Biện pháp trọng tâm của tỉnh là ưu tiên tính mạng con người là chính. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung vào công tác di dời dân. Trong ngày 25-12, các ngành, các cấp khẩn trương chỉ đạo địa phương di dời dân, đặc biệt chú ý những đối tượng dễ chịu tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... để di dời đến nơi an toàn, nhất là các trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa, những nơi cơ sở vật chất kiên cố. Trong trường hợp không trú ẩn hết, biện pháp của chúng tôi là khuyến cáo người dân tự làm hầm trú ẩn. Đây là biện pháp rất an toàn để người dân trú tránh bão. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy cũng đã có hướng dẫn người dân các địa phương chằng chống nhà cửa, đặc biệt là làm thế nào để người dân biết cách đảm bảo an toàn cho bản thân khi có bão đi qua.

Thực tế, Hậu Giang từ trước đến nay ít chịu ảnh hưởng từ bão, trong ứng phó còn nhiều lúng túng, vậy ông có thể hướng dẫn thêm cho người dân ?

Có thể nói, cơn bão số 16 là một cơn bão rất đặc biệt. Từ trước đến nay, tháng 12 chưa từng có cơn bão nào xuất hiện mạnh đến như vậy. Hiện sức gió rất mạnh và khốc liệt. Còn người dân ở Hậu Giang rất hạn chế trong kinh nghiệm phòng chống bão, còn mang tâm lý chủ quan, lơ là. Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đến tận xã, phường, ấp, khu vực để người dân biết, chuẩn bị tâm lý. Mặt khác, hướng dẫn người dân cách ứng phó trước khi bão vào. Do người dân chưa có kinh nghiệm chống bão nên công tác vận động di dời cũng gặp phần nào khó khăn.

Hiện công tác bố trí chỗ nơi cũng như các phương tiện tại chỗ để giúp người dân được triển khai như thế nào, thưa ông ?

Các địa phương đã rà soát lại những nơi an toàn, nhà kiên cố, trụ sở cơ quan, trường học để bố trí di dời dân. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chuẩn bị lực lượng đầy đủ để đáp ứng khi bão vào. Đặc biệt là ngành công thương phải chuẩn bị đủ lương thực phục vụ người dân trong thời gian bão vào Hậu Giang. Đối với ngành y tế phải chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị cấp cứu để ứng phó khi bão vào nhằm kịp thời ứng cứu cho người dân. Cơ bản đến thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó bão đang được triển khai gấp rút ở các địa phương.

Cụ thể, Ban chỉ huy khuyến cáo người dân cần chọn những nơi khô ráo để đào hầm trú ẩn. Trên mái hầm, bà con làm sườn cây bằng các loại gỗ chắc chắn; dưới mái hầm cần lót thêm bao ni-lông để chống thấm. Diện tích hầm trú ẩn cần phải đảm bảo đủ cho số lượng nhân khẩu trong nhà. Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo người dân dùng những vật liệu, dây chắc chắn để chằng chống nhà cửa, cột mái tôn; đồng thời sử dụng những bao cát chất lên mái tôn đừng cho gió tốc mái, đảm bảo an toàn.

Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong buổi sáng ngày 25-12, dự kiến có khoảng 830 hộ dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao của bão ở các huyện, thị xã, thành phố đang được khẩn trương di dời đến khu vực an toàn.

NGUYỄN HẰNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>