Đảm bảo an ninh nguồn nước !

16/05/2019 | 05:51 GMT+7

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2019, người dân huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang phải kêu cứu vì nguồn nước đen ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều cây số, phát ra mùi hôi thối nồng nặc, một số hộ nuôi cá bị chết... Hệ lụy nhà máy nước phải ngừng cung cấp do nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng. Từ sự cố này cho thấy việc đảm bảo an ninh nguồn nước là rất cần thiết.

Nguồn nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm được ghi nhận vào sáng ngày 3-5 tại thị xã Long Mỹ. Ảnh: LÝ ANH LAM

Câu chuyện dòng nước đen xuất hiện đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Loại trừ những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai là rất cần thiết.

ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Các nhà khoa học đã chỉ ra: Những toan tính sai lầm ở thượng nguồn mà chủ yếu do việc phát triển thủy điện trên dòng Mekong dẫn đến nhiều hệ lụy cho châu thổ cuối nguồn. Tình trạng hạn - mặn, sạt lở, sụp lún, thiếu nước ngọt… đe dọa đến sinh kế và sinh hoạt của hàng triệu người dân. Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Đáng lo ngại hơn, chỉ tính đến thời điểm hiện nay: Lượng phù sa của dòng Mekong từ 160 triệu tấn đã giảm xuống còn 85 triệu (giảm gần 1/2) do các đập thủy điện từ Trung Quốc. Trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều đập thủy điện trên dòng Mekong, ĐBSCL không chỉ lo ngại về an ninh nguồn nước mà còn lo thiếu phù sa bồi bổ cho các vùng đất.

ĐBSCL với gần 20 triệu dân, hàng năm sản xuất ra trên 25 triệu tấn gạo; cung cấp 1/5 lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Ngoài các đập thủy điện đã và đang xây dựng, các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia đều gia tăng diện tích đất sản xuất và có kế hoạch lấy thêm nguồn nước từ dòng chính Mekong để chuyển phục vụ tưới tiêu đang gây thêm áp lực cho ĐBSCL. Vùng đất hạ lưu ĐBSCL ngày phải đối diện với muôn trùng thách thức: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nước, đất, sạt lở khô hạn, mặn gia tăng xâm nhập sâu, di dân…

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc gìn giữ, bảo tồn các vùng sinh thái đặc trưng của sông nước miền Tây: “Phát triển vùng ĐBSCL theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị”. Quyết định 68/QĐ-TTg được xem là “bộ khung” quan trọng để các bộ ngành và các tỉnh, thành ĐBSCL phối hợp thực hiện đồng bộ các lĩnh vực sản xuất: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thủy lợi, giao thông, cung cấp nước…

Câu chuyện hàng ngàn người dân Hậu Giang thiếu nước ngọt cục bộ vừa qua, cho thấy nhiều hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước. Trên địa bàn Hậu Giang có nhà máy nước công suất 100.000m3/ngày đêm, việc kết nối nhà máy này vào hệ thống để bảo đảm nguồn nước cho người dân trong tương lai cần có phương án. Nhiều ý kiến lo lắng: “Vấn đề xả thải của các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp hiện nay có khu xử lý nước thải tập trung chưa? Việc chất lượng nước thải vào môi trường do doanh nghiệp tự xử lý thải thẳng vào sông ngòi cần kiểm soát chặt. Nếu không sẽ đối mặt những rủi ro khó lường? Cần phải kiên quyết “loại trừ” những đơn vị vì tránh chi phí xử lý nước thải nên thải thẳng vào môi trường”!

Với tính nhạy cảm đặc trưng sông nước, ĐBSCL cần kiên quyết loại trừ “kinh tế nâu - gây ô nhiễm môi trường”! Mới đây, Bạc Liêu đã kiên quyết từ chối một dự án lớn đầu tư vào địa bàn khi thấy có nguy cơ tác động đến môi trường. Nhưng thực tế, các khu, cụm công nghiệp, một số nhà máy nằm ven các tuyến sông Tiền, sông Hậu… vẫn là những mối lo gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, có thể tác động đến sinh hoạt và sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng. Một số chuyên gia cho rằng: Lãnh đạo các địa phương ĐBSCL nên phối hợp với các công ty cấp nước để kiểm soát tập trung sản lượng nước tiêu thụ của doanh nghiệp, từ đó mới có con số chính xác lượng nước xả thải để kiểm soát được khối lượng nước thải được xử lý trước khi thải vào môi trường để loại trừ những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra như tại thị xã Long Mỹ vừa qua.

CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>